Thị trường vừa trải qua một phiên giao dịch đầy sóng gió. VN-Index có thời điểm tăng gần 10 điểm rồi bất ngờ quay đầu giảm gần 25 điểm trước sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư. Hàng loạt nhóm cổ phiếu rơi về giá đỏ, thậm chí giảm sàn dưới áp lực bán ra mạnh mẽ.
Tuy chỉ số chính hồi phục và thu hẹp đà giảm về cuối phiên nhưng không ít cổ phiếu chấp nhận đóng cửa tại mức giá thấp. Trong đó, cổ phiếu LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chốt phiên giảm hết biên độ 10% xuống mức 24.400 đồng/cp. Thanh khoản tăng mạnh với hơn 4,3 triệu đơn vị được giao dịch – cao nhất trong gần 3 năm từ tháng 10/2021, giá trị giao dịch đạt hơn 111 tỷ đồng.
Trước đó mã này cùng nhóm phân bón vừa có diễn biến thăng hoa khi liên tục tăng mạnh, thị giá LAS gấp đôi từ đầu năm lên đỉnh 28.400 đồng/cp và neo tại vùng giá này trong vài phiên. Tuy nhiên hai phiên giảm mạnh liên tiếp đã nhanh chóng thổi bay hơn 14% thị giá LAS.
Đáng nói, đà giảm ghi nhận trong bối cảnh LAS vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 tương đối ấn tượng. Cụ thể, trong quý 2, doanh thu thuần của LAS đạt 605 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm tới 42% giúp cho LAS lãi gộp 175 tỷ đồng, tăng 39% so với quý 2/2023, biên lãi cải thiện lên mức 29%.
Khấu trừ chi phí khác, LAS báo lãi trước thuế 84,2 tỷ đồng, cao gấp đôi so với con số 40,7 tỷ đồng ghi nhận trong quý 2/2023. Lãi sau thuế đạt 67,3 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ, cao nhất từ quý 1/2016 đến nay. Lũy kế 6 tháng đầu năm, LAS ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.049 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ.
Năm 2024, LAS lên kế hoạch LNTT 135 tỷ đồng. Như vậy công ty đã vượt 11% mục tiêu lợi nhuận chỉ sau 6 tháng đầu năm.
Triển vọng có thể cải thiện nhờ chính sách nhưng còn nhiều bỏ ngỏ
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định bước sang năm 2024 tình hình xuất khẩu phân bón của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ việc Trung Quốc duy trì các lệnh hạn chế xuất khẩu Urê, tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn, PHS cho rằng xuất khẩu phân bón có thể gặp lại nhiều trở ngại, đặc biệt là mảng Urê, khi vấp phải sự cạnh tranh gay gắt. Cụ thể, sự quay trở lại của nguồn cung phân bón (phần lớn là phân Đạm, bao gồm Urê,…) từ Trung Quốc ngay khi thị trường nội địa của nước này được bình ổn (ít nhất là sau tháng 4 năm 2024). Điều này có thể diễn ra từ cuối 2024 do nguồn cung và mặt bằng giá khí (đầu vào quan trọng) đã về mức thấp và ổn định kể từ sau khi chiến tranh Ukraine bùng phát.
Ngoài ra, công suất Urê trên toàn cầu liên tục được mở rộng. Riêng năm 2023, đã có hàng loạt nhà máy mới được đưa vào hoạt động (6 ở Ấn Độ, 3 ở Trung Quốc và 1 ở Bangladesh). Trong khi đó, sản lượng ở châu Âu, đặc biệt là Nga và Ukraine cũng ghi nhận sự tăng trưởng.
Trong khi đó, PHS cho rằng thị trường tiêu thụ nội địa cũng sẽ gặp phải nhiều thách thức lớn khi diện tích canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị thu hẹp đáng kể khi Campuchia tiến hành xây dựng kênh đào Phù Nam (bắt dầu từ cuối năm 2024 và dự kiến hoàn thành trong 2028). Khi đó, khu vực này sẽ đối mặt tình trạng ngập mặn nghiêm trọng do lượng nước chảy về Sông Tiền và Sông Hậu có thể giảm đến 50%.
Đồng thời, các doanh nghiệp phân bón lớn sẽ sớm phải đối mặt với giá khí đầu vào cao vì Việt Nam đã bước vào giai đoạn suy giảm khí nghiêm trọng, tỷ trọng khi từ các mỏ giá cao ngày càng lớn và sẽ phải phụ thuộc vào LNG. Điều này có thể bào mòn dần biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là phân đạm.
Theo PHS, điểm sáng đáng chú ý là nhóm phân bón có thể hưởng lợi đáng kể từ Luật thuế GTGT sửa đổi (dự kiến có hiệu lực từ 2025), quy định phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT 5% thay vì không chịu thuế GTGT như hiện nay. Từ đó, thuế GTGT đầu vào sẽ được khấu trừ, làm giảm đáng kể giá thành sản phẩm, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho ngành thêm từ 5 – 6%, bù đắp tốt cho những bất lợi của ngành.
Để lại một phản hồi