Theo danh sách “quốc gia không thân thiện” mà Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin công bố trên mạng xã hội hôm nay, Mỹ đứng đầu với 1.983 lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Các vị trí tiếp theo là Canada, Thụy Sĩ, Anh, EU với tư cách thực thể duy nhất, Australia và Nhật Bản.
“Bằng cách áp đặt những biện pháp trừng phạt bất hợp pháp nhằm vào Nga, các quốc gia này đã khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt”, ông Volodin cho hay. “Đó là những thủ phạm chính đằng sau rắc rối hiện tại và những cuộc khủng hoảng trong tương lai trên khắp thế giới. Họ chịu trách nhiệm cho việc tăng giá chóng mặt toàn cầu”.
Giá năng lượng đã đạt mức cao kỷ lục ở châu Âu trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Moskva khi đó nói rằng châu Âu có thể giảm sự tăng giá bằng cách ký các hợp đồng cung ứng dài hạn với Nga để có cơ chế giảm mức tăng đột biến trên thị trường giao ngay, đồng thời đưa đường ống dẫn khí Nord Stream 2 vào hoạt động càng sớm càng tốt để đảm bảo nhập khẩu.
Các biện pháp trừng phạt phương Tây đang áp dụng với Nga bao gồm cả đình chỉ dự án Nord Stream 2 và tạo động lực tách châu Âu khỏi nguồn cung năng lượng từ Nga. Lệnh trừng phạt cũng làm trầm trọng thêm ngành công nghiệp hóa chất của Nga và Belarussia, bao gồm phân bón.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 18/5 cho rằng chiến sự tại Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước nghèo do giá cả leo thang. Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn, đặc biệt là lúa mì. Cả Nga và Ukraine chiếm hơn 1/4 nguồn cung lúa mì toàn cầu vào năm ngoái.
Theo ông Guterres, giải pháp hữu hiệu cho khủng hoảng lương thực là đưa Ukraine trở lại vào chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, cũng như khôi phục nguồn cung phân bón của Nga và Belarus với thị trường thế giới. Ông cho biết đang “liên hệ tích cực” với Nga và Ukraine, cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm nỗ lực khôi phục hoạt động xuất khẩu lương thực về mức bình thường.
LHQ ước tính khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở Ukraine từ vụ thu hoạch trước. Nếu được thông quan, số lương thực này có thể giảm bớt áp lực lên thị trường lương thực toàn cầu.
Huyền Lê (Theo RT)
Để lại một phản hồi