Chuyện về những nhà toán học thiên tài đứng sau “cỗ máy in tiền” vĩ đại nhất thế giới

Theo số liệu của Bloomberg, quỹ đầu tư tuyệt mật và có nhiều màu sắc thần bí này đã tạo ra khoảng 55 tỷ USD lợi nhuận trong 28 năm qua, cao hơn khoảng 10 tỷ USD so với các quỹ được điều hành bởi những ông trùm quỹ đầu cơ như Ray Dalio và George Soros.

Cách phố Wall 6 dặm về phía Đông, trên mảnh đất có hình dáng giống với một cái đuôi của con cá voi ngăn cách giữa eo biển Đảo Dài (Long Island Sound) và vịnh Conscience có một khu được gọi là Old Field với những căn biệt thự trị giá hàng triệu USD kín cổng cao tường. Những người dân địa phương còn có một tên gọi khác cho vùng này: Renaissance Riviera.

Nguyên nhân là vì những cư dân giàu có nhất của vùng ven biển này đều là nhà khoa học đang làm việc cho Renaissance Technologies, quỹ đầu cơ đặt trụ sở ở gần East Setauket. Họ là những người tạo nên và quản lý Medallion Fund, quỹ được coi là “chiếc máy in tiền vĩ đại nhất của thế giới”. Medallion chỉ mở cửa chào đón gần 300 nhân viên của Renaissance (90 trong số đó là tiến sĩ) và một vài cá nhân có mối quan hệ cực kỳ thân thiết.

Theo số liệu của Bloomberg, quỹ đầu tư tuyệt mật và có nhiều màu sắc thần bí này đã tạo ra khoảng 55 tỷ USD lợi nhuận trong 28 năm qua, cao hơn khoảng 10 tỷ USD so với các quỹ được điều hành bởi những ông trùm quỹ đầu cơ như Ray Dalio và George Soros. Điều đáng nói là Medallion đã tạo ra số lợi nhuận này trong thời gian ngắn hơn, với số tài sản dưới quyền quản lý ít hơn và hầu như chưa bao giờ lỗ.


Lợi suất năm của quỹ Medallion kể từ khi ra đời. Nguồn: Bloomberg.

Lợi suất năm của quỹ Medallion kể từ khi ra đời. Nguồn: Bloomberg.

“Renaissance là một phiên bản thương mại của Dự án Manhattan”, (một dự án nghiên cứu và phát triển đã chế tạo ra những quả bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II), Andrew Lo – giáo sư tài chính tại MIT và là Chủ tịch của công ty nghiên cứu định lượng AlphaSimplex – nói. Lo cho rằng Jim Simons – nhà toán học 78 tuổi thành lập nên Renaissance từ năm 1982 – là người đã mang rất nhiều nhà khoa học tụ họp ở quỹ đầu tư này.

Ai cũng đã từng nghe đến Renaissance nhưng gần như chẳng có ai biết bên trong quỹ đầu tư này hoạt động ra sao. Ngoài Simons, người đã nghỉ hưu năm 2009 để tập trung làm từ thiện, cho đến nay có rất ít thông tin về nhóm nhà khoa học có số tài sản lớn hơn GDP của nhiều nước và ngày càng có nhiều ảnh hưởng lên chính trường Mỹ. Trong bài viết này, Bloomberg đã thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau gồm các nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều cuộc phỏng vấn với những người từng làm việc hoặc cạnh tranh đối đầu với Renaissance.

Renaissance là quỹ đầu cơ có một không hai, vì đằng sau nó là những bộ óc thiên tài và có phần lập dị. Peter Brown – người hiện đang đồng lãnh đạo Renaissance – thường ngủ trên một chiếc giường Murphy đặt ngay trong văn phòng. Nhà lãnh đạo còn lại, Robert Mercer, là người rất ít nói. Thậm chí trong các cuộc họp người ta sẽ nghe thấy ông huýt sáo bài Yankee Doodle Dandy nhiều hơn là nghe thấy giọng nói của ông.

Đối với những người bên ngoài, điều bí ẩn nhất là làm cách nào Medallion có thể tạo được mức lợi suất trước thuế lên đến gần 80%/năm. Một số đối thủ cạnh tranh đã nhìn ra một vài lý do: Renaissance có những chiếc máy tính mạnh nhất thế giới, đội ngũ nhà giao dịch có nhiều dữ liệu tốt, xây dựng những mô hình phân bổ vốn tốt, chú ý đến chi phí giao dịch…

Tuy nhiên, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh phát triển các kỹ năng ngày càng sắc bén và việc sở hữu những chiếc máy tính hùng mạnh trở nên dễ dàng hơn, liệu Medallion có thể tiếp tục “in tiền”?

Trong năm 2016, các khách hàng đã rót 21 tỷ USD vào các quỹ đầu cơ phân tích định lượng (quant hedge fund) trong khi rút 60 tỷ USD và các loại quỹ khác. Số tài sản mà quỹ Two Sigma quản lý trong suốt khủng hoảng tài chính chỉ là 5 tỷ USD nhưng nay đã tăng lên 37 tỷ USD. Kể cả những quỹ truyền thống như Paul Tudor Jones và Steve Cohen cũng đang tuyển dụng thêm các chuyên gia khoa học máy tính vào đội ngũ của mình nhằm gia tăng lợi nhuận.

Tất nhiên, thành công của Renaissance gắn liền với những người đã xây dựng, phát triển và duy trì nó. Nhiều người trong số họ đã gặp nhau tại IBM trong những năm 1980, nơi họ sử dụng kỹ thuật phân tích dữ liệu thống kê để đối phó với những thách thức về ngôn ngữ học. Và dưới đây là câu chuyện của họ.

Những nhà khoa học lập dị

Simons là người khá nổi tiếng: một thiên tài toán học, giáo sư tại ĐH Harvard và MIT, chủ nhân giải thưởng Oswald Veblen (lĩnh vực Hình học) và là đồng tác giả của lý thuyết Chern – Simons. Ông cũng là người giải mã tại Viện Phân tích Quốc phòng (IDA), nơi ông làm công việc tìm kiếm các tin nhắn quân sự lẫn trong âm thanh đe dọa đến an ninh của nước Mỹ.


Jim Simons - người sáng lập Renaisance

Jim Simons – người sáng lập Renaisance

Mục đích của giao dịch định lượng cũng tương tự: xây dựng những mô hình phát hiện được những thông điệp ẩn chứa trong các làn sóng nhiễu động trên thị trường. Medallion dự đoán giá của một cổ phiếu, trái phiếu hay 1 thùng dầu sẽ diễn biến như thế nào. Và, tất nhiên điều này chẳng hề dễ dàng: giá phụ thuộc vào những yếu tố cơ bản và đôi khi là phụ thuộc rất nhiều vào những hành vi đầy cảm tính của người mua và người bán – thứ chẳng thể dự đoán chính xác.

Mặc dù Simons đã mất việc tại IDA, những mối quan hệ mà ông xây dựng được khi làm công việc giải mã đã giúp tạo nên Renaissance và sau này là Medallion. Trong thập kỷ sau đó, trong khi đang làm chủ nhiệm bộ môn toán tại ĐH Stony Brook, Simons tập trung giao dịch các hợp đồng hàng hóa tương lai. Đến năm 1977 ông rời môi trường hàn lâm để chuyển sang ngành quản lý quỹ.

Ban đầu Simons mua và bán các loại hàng hóa, chủ yếu dựa vào những yếu tố cơ bản như cung và cầu. Tuy nhiên ông cảm thấy cách làm này chưa ổn và đã quay trở lại mạng lưới các nhà toán học và chuyên gia giải mã để tìm người hỗ trợ. Elwyn Berlekamp và Leonard Baum, những đồng nghiệp cũ tại IDA cùng với các giáo sư Henry Laufer và James Ax của Stony Brook đã giúp sức. Trong cuộc phỏng vấn năm 2015 với Numberphile, Simons nói rằng họ đã dần dần xây dựng các mô hình với niềm tin có thể dùng số liệu thống kê để dự đoán giá.

Thông thường, những mô hình này sẽ rơi vào một trong hai trường phái: dựa theo xu hướng hoặc đảo ngược về giá trị trung bình. Hệ thống của Renaissance đi theo cả hai. Năm đầu tiên (1988), quỹ tăng trưởng 8,8% và giảm 4,1% trong năm sau đó. Tuy nhiên, năm 1990, sau khi tập trung vào những giao dịch có kỳ hạn ngắn hơn, Medallion có lợi suất lên tới 56%.

Đến đầu những năm 1990, mức lợi suất cao trở thành điều thường thấy ở Renaissance: 39,4%, 34% và 39,1%. Các nhà đầu tư háo hức đến với Medallion nhưng đến năm 1993 quỹ ngừng chấp nhận tiền góp vốn mới. Mức phí cũng tăng lên – từ 5% tài sản và 20% lợi nhuận lên lần lượt 5% và 44%.

Phấn khích trước thành công của Medallion, đến giữa những năm 1990 Simons tiếp tục tìm kiếm những nhà nghiên cứu mới. Một bản CV với kinh nghiệm làm việc trên phố Wall hoặc thậm chí là có nền tảng về tài chính sẽ được chấp nhận. “Chúng tôi thuê những người biết nghiên cứu khoa học”, Simons từng nói.

Năm 1993, Mercer và Brown rời khỏi IBM để về làm việc cho Renaissance với mức lương tăng thêm 50%. Sau đó nhiều cựu nhân viên của IBM cũng gia nhập, trong đó có Lalit Bahl, người đã tạo nên những thuật toán cho phép nhận diện giọng nói.

Renaissance cũng đầu tư rất nhiều vào việc thu thập, phân loại và làm sạch số liệu. “Bạn phải xây dựng một hệ thống có nhiều tầng lớp”, Simons chia sẻ trong một bài phỏng vấn với Institutional Investor năm 2000, giải thích một vài triết lý đứng sau thành công của mô hình Medallion.

Trong một hội thảo năm 2013, Brown đưa ra một ví dụ: sau khi nghiên cứu số liệu, họ phát hiện ra mối liên hệ tương quan giữa những ngày nắng và đà tăng điểm của các thị trường từ New York đến Tokyo. Khi trởi Paris nhiều mây, thị trường tài chính Pháp sẽ có ít khả năng tăng điểm hơn so với khi trời nắng. Tuy nhiên đây không phải là kết luận mang lại nhiều tiền bởi nó chỉ đúng trong hơn 50% thời gian.

Đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học tập trung vào việc cải thiện hiệu quả của hệ thống giao dịch. Vì các mô hình của Renaissance hướng đến ngắn hạn, họ giành thời gian phân tích chi phí vận hành và tác động của những giao dịch đến thị trường – công việc mà theo các chuyên gia định lượng khác là khá khó nhằn.

Những nhà toán học triệu phú

Ngay từ những ngày đầu tiên, Simons đã quyết định rằng quy mô của quỹ có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và quá nhiều tiền sẽ phá hỏng lợi nhuận. Renaissance giới hạn tài sản của Medallion trong khoảng 9 – 10 tỷ USD, lợi nhuận được phân chia đều đặn mỗi 6 tháng.

Nhờ Medallion, Simons – người vẫn đang sở hữu 50% cổ phần của công ty – có tài sản trị giá 15,5 tỷ USD. Ở đây cũng có nhiều người trở thành triệu phú.

Khi mà mọi người ở Medallion trở nên giàu có, phong cách sống của họ cũng thay đổi. Không còn những chuyến tàu tới Manhattan mà là di chuyển bằng trực thăng. Thay vì lái xe của Honda, những nhà khoa học chuyển sang xe Porsches bóng lộn. Du thuyền cũng trở thành thứ không còn xa lạ.

Khi các đối thủ và những nhà đầu tư cũ của Renaissance được hỏi liệu quỹ có thể tiếp tục thu về mức lợi suất cao chất ngất như hiện nay hay không, thường thì bạn sẽ chỉ nhận được một câu trả lời: họ chạy nhanh hơn bất kỳ ai.

Tuy nhiên, điều đó cũng không thể giúp Renaissance hoàn toàn tránh được rắc rối khi mọi người xung quanh đều lún sâu vào khủng hoảng. Tháng 8/2007, khủng hoảng nợ dưới chuẩn nhấn chìm một vài quỹ đầu cơ định lượng lớn nhất trong đó có quỹ trị giá 30 tỷ USD của Goldman Sachs. Nhiều quỹ đã phải cắt giảm nhân sự và Medallion cũng đã thua lỗ gần 1 tỷ USD. Các lãnh đạo của Renaissance lo sợ rằng quỹ sẽ bị xóa sổ và bắt đầu bán ra. Họ gần như đã đầu hàng nhưng sau đó thị trường hồi phục và Medallion bắt đầu có thể bù lỗ, kết thúc năm 2007 với mức lợi suất 85,9%. Các lãnh đạo của Renaissance đã rút ra được một bài học quan trọng: đừng làm cho các mô hình rối tung lên.

Chẳng hệ thống nào có thể tồn tại mãi mãi, các nhà giao dịch định lượng đã nói. Họ tự hỏi liệu phép màu của Medallion sẽ kéo dài bao lâu nữa. Tuy nhiên, đến nay đã là 7 năm sau khi Simon nghỉ hưu, cỗ máy in tiền này vẫn hoạt động trơn tru. Kể cả trong nửa đầu năm 2016, trong khi nhiều quỹ đầu cơ chật vật, Medallion vẫn có lợi suất hơn 20%. Quy mô cũng như sức ảnh hưởng của Renaissance vẫn không ngừng tăng lên.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*