Bước tiến mới về thu thuế dịch vụ xuyên biên giới

Trước đây, Việt Nam chưa có kênh khai, nộp thuế đối với trường hợp giao dịch giữa các doanh nghiệp xuyên biên giới với khách hàng là người dùng cá nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ ngày 21/3, điều này đã thay đổi với sự ra đời của Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn).

Chờ quy định để nộp thuế

Mãi đến năm 2019, Luật Quản lý thuế mới bắt đầu bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới theo hướng quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài có thể trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Từ trước đến nay, Việt Nam đã thu được các khoản thuế của các doanh nghiệp xuyên biên giới đối với khoản doanh thu từ các tổ chức thông qua hình thức thuế nhà thầu.

Số liệu Tổng cục Thuế cho thấy, trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook… là 1.314 tỷ đồng, trong đó số thu từ một số tập đoàn lớn như Facebook được 521 tỷ đồng; Google 490 tỷ đồng; Microsoft 164 tỷ đồng.

Trong khi đó, chúng ta chưa thu được thuế của các doanh nghiệp xuyên biên giới phát sinh từ các giao dịch với khách hàng là người dùng cá nhân tại Việt Nam.

Lý do là Thông tư 103/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 06/8/2014 trước đây chưa tính toán hết mọi trường hợp phát sinh doanh thu đối với các doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (cụ thể là trường hợp doanh thu nhận được từ cá nhân không kinh doanh). Điều này đã khiến cho các doanh nghiệp xuyên biên giới không thể nộp thuế được.

Do đó, đã từng xuất hiện luồng ý kiến cho rằng các doanh nghiệp xuyên biên giới cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế với các khoản doanh thu đến từ người dùng cá nhân. Trong khi thực tế là pháp luật Việt Nam vẫn thiếu công cụ và quy định để doanh nghiệp khai, nộp thuế.

Hiện nay, với việc ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, vấn đề này đã được giải quyết. Thông tư số 80 dành hẳn một chương riêng quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Theo đó, nhà cung cấp xuyên biên giới có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế với cơ quan thuế Việt Nam.

Chuyên gia Chung Thành Tiến, Hội Kế toán thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Người dùng cá nhân sử dụng dịch vụ của công ty xuyên biên giới đó thì công ty có nghĩa vụ nộp thuế. Số phí người dùng nộp đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp này chưa kê khai do cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, chưa có pháp nhân hiện diện ở Việt Nam. Nếu doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng dịch vụ của các công ty đó thì có thể kê khai và nộp thuế nhà thầu. Còn với người dùng là cá nhân thì chưa thu được, đối tượng đó mới là nguồn thu lớn từ các công ty xuyên biên giới.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như vậy, Luật Thuế giá trị gia tăng trước đây cũng còn chưa rõ ràng, không xác định doanh nghiệp xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng, mà cho rằng doanh nghiệp không có hiện diện pháp nhân ở Việt Nam thì không thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng.

Hiện nay, Thông tư 80 nêu rõ rằng doanh nghiệp dù hiện diện pháp nhân ở đâu thì khi dịch vụ đó được tiêu dùng ở Việt Nam thì vẫn thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng. Cho nên phải đợi đến Thông tư 80 hướng dẫn cụ thể Luật quản lý thuế, các công ty xuyên biên giới mới có cơ sở pháp lý rõ ràng để tiến hành kê khai, nộp thuế.

Thay đổi cách tiếp cận

Mới đây, Tổng cục Thuế đã tổ chức lễ công bố Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile). Tức là 3 tháng, sau khi Thông tư số 80 có hiệu lực thi hành, nhà cung cấp ở nước ngoài giờ đây đã có thể thực hiện việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng Etaxvn.dgt.gov.vn. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc thu đủ thuế dịch vụ xuyên biên giới, đồng thời xóa đi những tranh cãi lâu nay về việc có hay không việc một số doanh nghiệp đang trốn thuế.

Theo Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn Nguyễn Văn Phụng, từ lúc có Thông tư 80, đại diện các doanh nghiệp như Google, Facebook, Netflix… đều bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng nộp thuế.

“Các doanh nghiệp đều khẳng định rằng, với công cụ này sẽ giúp cho tất cả các bên vì chính sách rõ ràng, quy trình minh bạch, thủ tục thuận lợi, có công cụ kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau, khai thuế, nộp thuế tốt. Họ cũng hiểu được rằng, muốn kinh doanh lâu dài ở một đất nước thì phải chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Trong công tác quản lý, sẽ có những biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành thuế để thực hiện kiểm tra kiểm soát xác định nghĩa vụ của từng bên theo chức năng nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho chúng tôi”, ông Phụng nói.

Bình luận về động thái mới này, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội nói: Thông tư 80 và Cổng điện tử của Tổng cục Thuế là những bước đi rõ ràng từ cơ quan thuế, cho phép doanh nghiệp nước ngoài kê khai, nộp thuế trên doanh thu phát sinh từ người dùng cá nhân không kinh doanh tại Việt Nam. Hướng tiếp cận này đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới, với các ví dụ tương tự ở Úc, Hàn Quốc, Singapore.

“Trước đây, do thiếu hướng dẫn và co sở pháp lý, nên chưa có cơ chế và quy định để doanh nghiệp xuyên biên giới có thể nộp thuế trên khoản doanh thu này. Cơ chế mới này là bước tiến lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc đáp ứng kỳ vọng giữa các bên, bằng một cơ chế chính sách rõ ràng, tạo sự thuận lợi cho việc tuân thủ”, ông Adam Sitkoff cho biết.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*