VN-Index rời mốc 1.470 điểm giữa tuần đỏ lửa của chứng khoán toàn cầu
Chung xu hướng với nhiều sàn chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đi qua một tuần “đỏ lửa”.
Giới đầu tư tuần qua vẫn đang đổ dồn chú ý về cuộc chiến tại Ukraine cùng các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lên Nga. Xu hướng tăng cao của giá hàng hóa gây lo ngại về một cú sốc khiến nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao. Giá dầu Brent đã có thời điểm tăng lên 130 USD / thùng, mức cao nhất trong kể từ năm 2008 trong tuần qua, dù đã điều chỉnh giảm khoảng 20 USD ở phiên cuối tuần.
Chỉ số ít thị trường chứng khoán tăng điểm tuần qua, trong khi đó, chứng khoán Ấn độ bốc hơi 7,54%; chứng khoán Hồng Kông cũng giảm hơn 7% trong tuần. Nhóm 15 thị trường rơi sâu nhất tuần qua đều giảm trên 3,3%.
VN-Index – chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam giảm 38,79 điểm, tương đương mức giảm 2,58%. Chỉ số sàn HoSE đóng cửa tuần qua ở mức 1466,5 điểm, rơi xuống mức thấp nhất kể từ 27/1. HNX-Index giảm 8,39 điểm (-1,86%). Cá biệt, UPCoM-Index tăng 1,8%.
Cả ba chỉ số đều rơi sâu trong phiên giao dịch 8/3 khi chứng khoán toàn cầu đồng loạt ngập trong sắc đỏ khi chứng kiến đợt bán tháo trên diện rộng. VN-Index giảm hơn 25 điểm nhưng điểm tích cực là thanh khoản phiên này đã tăng vọt với hơn 1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng. Tại sàn HoSE, tổng giá trị giao dịch bình quân tuần qua đạt đạt 29.060 tỷ đồng/phiên, tăng 3,82% so với tuần trước. Giao dịch trên sàn HNX hồi phục nhanh hơn với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 4.017,72 triệu đơn vị/phiên, tăng 14,34% so với tuần trước.
Cổ phiếu phân bón hoá chất ngược dòng trước bão, MSN lao dốc
Kỳ vọng các doanh nghiệp phân bón hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá hàng hoá, cổ phiếu ngành phân bón/hoá chất có vài nhịp điều chỉnh nhẹ nhưng nhìn chung đã tăng mạnh kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine cách đây hơn 2 tuần. Trong tuần này, DCM, DPM và DGC đều nằm trong top 5 cổ phiếu tác động tích cực đến VN-Index. Trong đó, hai cổ phiếu đứng đầu ngành phân bón là DCM và DPM tăng lần lượt 15% và 10,1%. DGC tăng hơn 5,9%.
Cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index tuần này là EIB nhờ mức tăng 12,4%. Eximbank đang tiến gần hơn đến đại hội cổ đông năm 2022 (22/3) kỳ vọng mang đến trang mới cho nhà băng này. Ở cuộc đại hội cổ đông năm 2021 tổ chức lần 2 ngày 15/2/2022, dù đã bầu được Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, hầu hết các tờ trình liên quan đến định hướng phát triển vẫn chưa được thông qua.
Không nhiều cổ phiếu nhà băng giữ được sắc xanh như EIB, nhiều ngân hàng bốc hơi giá trị vốn hoá lớn trong tuần. Top 10 các cổ phiếu tác động tiêu cực lên VN-Index cũng có tới 4 cổ phiếu nhà băng gồm VPB, BID, MBB và VCB. Cổ phiếu MSN cũng có một tuần lao dốc mạnh khi bốc hơi 11,6% trong một tuần, về mức 142.500 đồng/cổ phiếu. Từ tháng 10/2021 đến nay, giá cổ phiếu MSN chưa từng rơi xuống dưới ngưỡng 142.000 đồng. MSN góp tới 5,4 điểm giảm trong tuần này.
Khối ngoại mạnh tay bán ròng, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam tại VNM ETF sắp tăng gần 5%
Khối ngoại bán ròng tới 5.270 tỷ đồng trên ba sàn, gấp 7,36 lần tuần trước. Tuy vậy, giá trị bán ròng theo xu hướng thu hẹp dần qua các phiên. Các cổ phiếu vốn hoá lớn bị xả nhiều nhất, đứng đầu là HPG (657 tỷ đồng), VHM (403 tỷ đồng), MSN (367 tỷ đồng)… Chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND cũng bị bán ròng 464 tỷ đồng. VNM – cổ phiếu đã rơi sâu rồi bật mạnh tuần qua cũng bị khối ngoại bán ròng 4/5 phiên với giá trị 228 tỷ đồng trong cả tuần.
Sáng 12/03, MVIS đã công bố kết quả review định kỳ quý I/2022 đối với MVIS Vietnam Index – chỉ số tham chiếu của quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF). Trong kỳ đảo danh mục đầu năm, MVIS Vietnam Index thêm 8 mã CEO, HUT, DXG, BCG, HDG, ORS, VIX và PVD. Đồng thời không có mã nào bị loại ra. Tổng số lượng cổ phiếu trong danh mục nâng lên con số 58, trong đó Việt Nam chiếm 44 mã. Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục MVIS Vietnam Index sau kỳ này sẽ nâng lên từ 78,57% lên 83,43%. Đây là mức tăng khá mạnh so với kỳ cơ cấu trước.
Quỹ Singarpore lại mua bất thành VNM, Dragon Capital trở thành cổ đông lớn Sacombank
Dù lực bán áp đảo, một số cổ phiếu vẫn được khối ngoại giải ngân ròng tuần qua, đứng đầu là STB với giá trị mua ròng hơn 103 tỷ đồng. Cũng trong tuần này, quỹ lớn nhất của Dragon Capital – Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) thông báo đã mua vào 1.25 triệu cp STB trong phiên 08/03/2022, nâng sở hữu của cả nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý từ 93,9 triệu cổ phiếu lên 95,2 triệu cp, tỷ lệ sở hữu qua đó tnawg từ 4,98% lên 5,05% vốn. Dragon Capital đã trở lại vai trò cổ đông lớn của Sacombank sau gần 11 năm khi hồi năm 2011 đã bán toàn bộ 6,66% vốn.
Trái với động thái bất ngờ của Dragon Capital, Platinum Victory (Singapore) tuần qua lại thông báo mua bất thành gần 21 triệu cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Trong thời gian giao dịch từ 10/2 – 11/3/2022, quỹ từ Singapore không mua được bất kỳ cổ phiếu VNM nào do thị trường không thuận lợi dù giá cổ phiếu VNM đã có thời điểm rơi mạnh xuống 75.100 đồng/cổ phiếu. Hiện quỹ này đang sở hữu gần 222 triệu cổ phiếu, tương đương 10,62% vốn.
Đấu giá thành công lô cổ phần HUD1, Sông Đà sắp chào bán SJS giá khủng
Hoạt động đấu giá cổ phần tuần qua khá thành công khi đợt chào bán cổ phần của CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) sở hữu đã bán thành công trọn lô cổ phần hôm 9/3. Trong 4 nhà đầu tư và 1 tổ chức trong nước đăng ký mua, một cá nhân đã trúng giá với giá đấu thành công đạt 76,6 tỷ đồng, tương đương bình quân 15.020 đồng/cổ phiếu. Giá khởi điểm bình quân một cổ phần là 14.716 đồng.
Tới đây, HNX sẽ tiếp tục tổ chức hai cuộc đấu giá cổ phần khác. Vào ngày 31/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La sẽ đấu giá 62,6% vốn Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La với giá khởi điểm 11.315 đồng/cổ phần. Trong khi đó, vào ngày 5/4, Tổng Công ty Sông Đà sẽ đấu giá 41.745.862 cổ phần SJS của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà với giá khởi điểm: 101.900 đồng/cổ phần. Mức giá trên cao gấp hơn 10 lần mệnh giá và cao hơn 17,4% so với giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn.
Cổ đông lớn, người nội bộ chốt lời cổ phiếu DAG, HPG, POM…
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển NBH tuần qua cho biết đã bán thành công 10 triệu cổ phiếu DAG của CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận từ 1/3 – 10/3/2021. Trước giao dịch, tổ chức này là cổ đông lớn nhất tại DAG khi sở hữu khoảng 16 triệu cổ phiếu (26,9% vốn). Sau khi hoàn tất bán ra, hiện cổ đông này còn sở hữu hơn 6 triệu cổ phiếu, tương ứng 10,1% vốn. Cổ phiếu DAG cũng biến động khá mạnh chỉ trong nửa năm gần đây. Từ mức 6.000 đồng, giá cổ phiếu này có thời điểm tăng gấp 3 lần nhưng đảo chiều hạ nhiệt sau đó. Giá đóng cửa cuối tuần qua ở mức 14.450 đồng/cổ phiếu.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho biết đã bán xong 1 triệu cổ phiếu HPG qua phương thức khớp lệnh trên sàn trong thời gian từ ngày 18/2 – 7/3/2022. Sau giao dịch này, ông Quang còn sở hữu 83,7 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,87% vốn. Khoảng thời gian trên cũng là lúc cổ phiếu HPG ghi nhận sự hồi phục đáng kể và trở lại chạm mốc 51.100 đồng/cổ phiếu hôm 7/3.
M cổ phiếu thép khác là POM dự kiến sẽ ghi nhận giao dịch bán khối lượng lớn của người liên quan cổ đông nội bộ tới đây. Ông Nguyễn Thế Anh Tuấn, cháu trai ông Đỗ Văn Khánh – Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina đã đăng ký bán bớt 3 triệu cổ phiếu POM trong tổng số hơn 5,81 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,08%) đang sở hữu qua giao dịch khớp lệnh hoặc thoả thuận. Thời gian giao dịch dự kiến là 14/3 – 12/4/2022.
Hủy đăng ký giao dịch 29 cổ phiếu UPCoM do chưa đáp ứng điều kiện công ty đại chúng
Theo quy định, doanh nghiệp cổ phần hóa đã đăng ký giao dịch trên UPCoM trước ngày Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực nhưng chưa được UBCKNN xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng sẽ bị hủy đăng ký giao dịch sau 1 năm kể từ ngày Nghị định số 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Trước đó, đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động gắn đấu giá cổ phần hóa DNNN với đăng ký giao dịch chứng khoán trên thị trường UPCoM, tạo điều kiện đưa chứng khoán của doanh nghiệp vào giao dịch trên thị trường UPCoM ngay sau khi hoàn tất thanh toán tiền mua cổ phần, kể cả đối với các doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện công ty đại chúng.
Dù đã có thời gian lên sàn 2-4 năm, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được UBCKNN xác nhận hoàn tất đăng ký công ty đại chúng. Danh sách này gồm cả nhiều tên tuổi lớn như Hanel, Giầy Thuỵ Khuê, hay các doanh nghiệp lĩnh vực vệ sinh môi trường. Dự kiến, 29 mã chứng khoán này sẽ không còn được giao dịch trên UPCoM từ cuối tháng 3/2022.
Phạt hành chính Sametel (SMT) 170 triệu đồng
Ngày 07/3/2022, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 36/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Sametel (mã SMT).
Trong đó, Sametel bị phạt tiền 100 triệu đồng do không công bố đối với thông tin giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế bị lỗ tại Báo cáo tài chính quý I,II/2021, Báo cáo tài chính bán niên năm 2020, 2021, Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 và công bố thông tin không đúng thời hạn đối với giải trình chênh lệch Lợi nhuận sau thuế quý 4/2020 so với quý 4/2019; báo cáo thường niên năm 2019, tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Cùng đó, công ty bị phạt tiền 70 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ. Báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2020, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 không có thông tin về thành viên Hội đồng quản trị không điều hành, Ban kiểm soát; Theo các báo cáo tài chính bán niên năm 2020, 2021 được soát xét, Báo cáo tài chính năm 2020 được kiểm toán, Công ty có các giao dịch với các bên liên quan là Công ty cổ phần Dây và Cáp Sacom nhưng các báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2020, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 không trình bày các giao dịch với bên liên quan này.
Để lại một phản hồi