Bảo hiểm phi nhân thọ lãi lớn

Miếng bánh doanh thu nở chậm

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 217.338 tỷ đồng, tăng 16,71% so với năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 57.880 tỷ đồng, tăng 3,98% so với năm 2020. Con số trên thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,63% của mảng kinh doanh này trong năm 2020. Tuy nhiên, không vì vậy mà lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đi lùi trong năm 2021.

Chỉ tính riêng các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên sàn, dù doanh thu phí bảo hiểm chỉ tăng trưởng 4,3%, song lợi nhuận sau thuế của nhóm này vẫn tăng 27,4%. Hơn chục doanh nghiệp đều báo lãi tăng trưởng hai con số.

Cá biệt, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi hoạt động (hơn 350 tỷ đồng), gấp đôi khoản lãi thu được trong năm 2020. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ thị phần bảo hiểm hàng đầu ở nhóm phi nhân thọ cũng đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 20-30%, như Bảo Việt, Bảo Minh, PTI.

Lợi nhuận của Tập đoàn Bảo Việt tăng 21%, đạt 2.367 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2021. Trong đó, nếu tính riêng mảng phi nhân thọ, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của doanh nghiệp này cao gấp gần 3 lần năm trước đó.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Kế toán trưởng Tập đoàn Bảo Việt, diễn biến sôi động và tích cực của thị trường chứng khoán năm 2021 là động lực chính giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Hoạt động tài chính mang về 1.875 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước đó và đóng góp 79% lợi nhuận của Tập đoàn.

Bảo Minh cũng báo lãi quý IV/2021 đạt 69 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2020, nhờ doanh thu từ mua bán cổ phiếu và thu lãi cổ tức tăng từ chưa đến 2 tỷ đồng cùng kỳ lên 62,2 tỷ đồng. Nhờ hoạt động tài chính mà lợi nhuận cả năm đã tăng 28%.

Trong khi miếng bánh không “nở” thêm nhiều, một số doanh nghiệp vẫn đang quyết liệt giành thêm thị phần. Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) mở rộng mạnh mảng bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe, nhờ đó doanh thu phí bảo hiểm tăng 32% so với năm 2020.

Trong khi đó, Bảo hiểm BIDV (BIC) lại tăng trưởng mạnh nhất ở nhóm sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người. Doanh thu mảng này tăng 33% so với năm 2020, lên 869 tỷ đồng. Tỷ trọng trong tổng doanh thu tăng từ mức 24,5% lên 29,2%. Vạch ra kế hoạch cho 4 năm tới (2022-2025), BIC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm bình quân 20%/năm.

Đây là mức tham vọng khi nhìn lại vào tốc độ tăng trưởng của mảng bảo hiểm phi nhân thọ trong những năm gần đây. Cùng với đó, thị trường cũng đang chứng kiến sự gia nhập của các tân binh, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bảo hiểm công nghệ (InsurTech). Bảo hiểm PES – doanh nghiệp mới thành lập chưa đầy 4 năm – sau khi bứt phá mạnh từ năm 2020 cũng đã đạt mức doanh thu phí trên 800 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2021, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2020.

Hưởng lợi từ xu hướng tăng lãi suất

Thống kê 12 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn, quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2021 tăng 13,5% so với đầu năm, lên xấp xỉ 250.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tự có tăng thấp, chủ yếu từ tích lũy lợi nhuận. Số lượng các đợt phát hành cổ phần được doanh nghiệp Việt ngành này thực hiện khá ít ỏi trong những năm gần đây. Riêng trong năm 2021, vốn điều lệ của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng lên chủ yếu thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông.

Danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tập trung nhiều nhất vào các tài sản tài chính mang về thu nhập cố định, gồm khoản tiền gửi ngân hàng, trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp. Tại Tập đoàn Bảo Việt, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cuối năm 2021 đạt xấp xỉ 143.910 tỷ đồng, chiếm 84,9% tổng tài sản. Dù chiếm tỷ trọng nhiều nhất vẫn là tiền gửi ngân hàng, song giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của tập đoàn này cũng mở rộng khá nhanh, với mức tăng gần 48%, lên 10.460 tỷ đồng.

Giữa năm, một số doanh nghiệp cũng đẩy mạnh đầu tư vào chứng khoán, tận dụng diễn biến tích cực của thị trường, nên mang về khoản lợi nhuận tài chính lớn cho doanh nghiệp. Tuy vậy, so với đầu năm, tỷ trọng đầu tư vào tiền cùng các tài sản mang về thu nhập cố định của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều tăng.

Dự báo mặt bằng lãi suất năm 2022, nhiều đơn vị phân tích nhận định, lãi suất sẽ khó giảm thêm so với cuối năm 2021. Trái với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới triển khai trong năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch bệnh, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, khá nhiều ngân hàng trung ương đã có động thái tăng lãi suất điều hành.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán BVSC, tại Việt Nam, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất huy động. Lãi suất tăng sẽ giúp cải thiện thu nhập tài chính cho các công ty bảo hiểm bởi danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn nằm phần lớn ở các chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*