“Tình hình cách đây 2,5 năm rất tệ. Bây giờ còn tệ hơn nhiều”, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan nói trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm qua, đề cập tới thời điểm ông đến Nga nhậm chức hồi tháng 1/2020.
Hàng loạt đợt trục xuất nhà ngoại giao và cắt giảm nhân viên sứ quán Mỹ tại Nga chưa khiến ông phải dọn dẹp nhà vệ sinh hay lau sàn như các tin đồn ở Washington, nhưng Sullivan cho biết ông có thể tự làm những công việc này nếu cần thiết.
Đại sứ Mỹ cho biết “những lời xúc phạm hay thù hằn cá nhân chưa xuất hiện trong những cuộc họp với quan chức Bộ Ngoại giao Nga”, trong khi đại sứ quán Mỹ cũng không gặp phản ứng dữ dội nào từ Moskva. “Tình hình an ninh hiện nay không khác nhiều so với một tháng hay 6 tháng trước, nhưng điều đó có thể thay đổi trong chớp mắt, tùy thuộc vào chính quyền sở tại”, ông nói.
John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho rằng Sullivan đang phải xử lý những tình huống mà những người tiền nhiệm chưa bao giờ đối mặt. Mỹ và các đồng minh đang cung cấp hàng loạt vũ khí sát thương hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga, đồng thời áp đặt những lệnh trừng phạt nặng nề nhằm vào Moskva.
“Mỹ thực sự đang ở trong giai đoạn quan hệ thù địch với Nga”, cựu đại sứ Herbst nói.
Quan hệ Mỹ – Nga vốn ở tình trạng lạnh nhạt nhất từ sau Chiến tranh Lạnh khi tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đề cử John Sullivan làm đại sứ tại Nga, một trong những công việc khó khăn nhất của ngành ngoại giao Mỹ.
Hai nước liên tục áp đặt những lệnh trục xuất nhân viên ngoại giao và hạn chế visa ngoại giao của nhau. Nga yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Saint Petersburg hồi tháng 3/2018, trong khi lãnh sự quán ở Vladivostok và Yekaterinburg cũng phải ngừng hoạt động sau khi Sullivan đến Nga.
Đại sứ quán tại Moskva hiện là cơ sở ngoại giao duy nhất của Mỹ ở nước này, nhưng số nhân viên bị cắt giảm từ khoảng 1.200 người hồi năm 2017 xuống còn 130 vào đầu năm nay, một nửa trong số đó là lính thủy quân lục chiến và nhân viên an ninh.
Washington và Moskva cũng căng thẳng trong hàng loạt vấn đề từ cuộc chiến tại Syria, Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai miền đông Ukraine, cũng như các lệnh cấm vận của Mỹ với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016.
Giữa lúc quan hệ song phương liên tục xấu đi, Tổng thống Joe Biden quyết định giữ Sullivan trong vị trí đại sứ Mỹ tại Nga. Washington triệu hồi ông để tham vấn hồi tháng 4/2021, sau khi Moskva triệu hồi đại sứ Nga. Chính phủ Nga cũng yêu cầu đại sứ quán Mỹ sa thải hàng loạt nhân viên địa phương làm những công việc quan trọng, khiến hoạt động cấp visa gần như bị đình trệ hoàn toàn.
Từng có những hy vọng về hạ nhiệt căng thẳng khi hai đại sứ tiếp tục công việc vào tháng 6/2021, cùng cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sau đó.
Tuy nhiên, tình hình tiếp tục tồi tệ hơn khi Nga dàn quân sát biên giới Ukraine, đưa ra hàng loạt đề xuất bảo đảm an ninh với Mỹ và NATO. Đỉnh điểm là chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine được Nga khởi động hôm 24/2. “Quan hệ ngoại giao song phương đang nằm dưới đáy Rãnh Mariana”, đại sứ Sullivan nói, đề cập tới rãnh đại dương sâu nhất trên Trái Đất.
Chỉ vài ngày sau khi xung đột bùng phát, Tổng thống Putin ra lệnh cho lực lượng hạt nhân chuyển sang trạng thái báo động cao vì “những tuyên bố hung hăng đe dọa nước Nga và các lệnh trừng phạt kinh tế” từ phương Tây.
Sullivan cho biết ông đánh giá rất nghiêm túc lời đe dọa cắt quan hệ ngoại giao “từ cấp lãnh đạo cao nhất của chính phủ Nga”, nhấn mạnh Nga không đưa ra những tuyên bố suông. “Mỹ không muốn đóng cửa đại sứ quán tại Nga. Tổng thống Biden không muốn rút tôi về nước. Nhưng đó không phải điều trong quyền kiểm soát của chúng tôi”, ông nói.
Chính phủ Nga hồi tháng 2 trục xuất cấp phó của Sullivan và yêu cầu 37 nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời khỏi nước này. Quan chức Mỹ giấu tên cho biết điều này khiến đại sứ quán tại Moskva hoạt động cầm chừng với đội ngũ nhân viên tối thiểu.
Kỹ thuật viên bảo dưỡng thang máy đã rời đi, khiến các nhà ngoại giao phải chuyển sang đi lại bằng thang bộ, trong khi hệ thống chữa cháy sẽ trở thành vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của cả đại sứ quán nếu hai kỹ thuật viên tòa nhà phải về nước.
Hàng loạt cuộc họp xuyên đêm với Washington do căng thẳng tại Ukraine khiến Đại sứ Sullivan phải từ bỏ dinh thự riêng nằm cách đại sứ quán 15 phút lái xe. Ông chuyển đến khu nhà của cấp dưới bị trục xuất, cách tòa nhà sứ quán chỉ vài bước chân.
Sullivan tỏ ý lo ngại ông sẽ không thể theo đuổi nhiệm vụ bảo đảm quyền lợi cho công dân Mỹ bị giam giữ tại Nga nếu quan hệ song phương bị cắt đứt và đại sứ quán phải đóng cửa. Nhưng ông khẳng định ông sẽ ở lại Nga đến cùng. “Tôi nói với các đồng nghiệp ở quê nhà rằng tôi sẽ không rời đi cho đến lúc bị chính phủ Nga trục xuất hoặc Tổng thống Mỹ yêu cầu tôi về, Đại sứ Mỹ cho hay.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi