Hơn một tháng sau, tình hình chiến sự quanh Kiev đã hạ nhiệt khi Nga thông báo rút quân khỏi khu vực ngoại ô thủ đô Ukraine để dồn lực cho chiến trường miền đông. Tuy nhiên, đồ đạc thiết yếu của ông bà Rynk vẫn nằm yên trong những chiếc túi đặt cạnh cửa căn hộ ở phía tây bắc thành phố.
Cảm giác lo âu về những mối nguy hiểm rình rập đã tạm lắng ở Kiev, thành phố với hơn ba triệu dân, nhưng tâm lý bất an, đề phòng vẫn bao trùm.
Hơn một nửa dân số thành phố đã sơ tán sau khi lực lượng Nga tiến đến vùng ngoại ô Kiev hồi tháng hai. Quân đội Ukraine đã kháng cự quyết liệt suốt nhiều tuần, cho đến khi lực lượng Nga tuyên bố rút quân vào cuối tháng 3. Các đơn vị Ukraine đã tiến vào kiểm soát một số thị trấn, làng mạc ở ngoại ô phía bắc Kiev.
Ngày càng nhiều người Kiev đang quay trở lại. Những người còn bám trụ thành phố bắt đầu rời khỏi tầng hầm, ga tàu điện ngầm, nơi họ đã trú ẩn suốt quãng thời gian qua. Tiếng còi báo động không kích không còn khiến họ bận tâm nữa.
Giới chức Kiev đang lên kế hoạch mở lại tuyến cao tốc phía tây, từng bị lực lượng Nga chia cắt. Lệnh cấm bán rượu ban bố trong những ngày đầu tiên của cuộc xung đột cũng đã được dỡ bỏ. Các kệ siêu thị đã đầy hàng trở lại, dù một số món vẫn khan hiếm vì chúng được lưu trữ trong kho tại các khu vực vẫn xảy ra giao tranh.
Ngoài một vài chiếc xe bị cháy, phần lớn đường phố ở trung tâm Kiev đều sạch sẽ và các dịch vụ công cộng đã hoạt động trở lại. Hàng cây xanh trên một con phố chính mới được cắt tỉa lại.
Tuy nhiên, cảm giác nhẹ nhõm của người dân Kiev không thể trọn vẹn bởi giao tranh vẫn tiếp diễn ở những khu vực khác. Giới chức cũng cảnh báo dân chúng thận trọng, bởi thành phố vẫn nằm trong tầm bắn tên lửa Nga, ngay cả khi Moskva tuyên bố chuyển trọng tâm chiến dịch sang phía đông Ukraine.
“Chúng tôi không loại trừ khả năng tiếp tục bị oanh kích”, Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko nói. “Lực lượng phòng không của chúng tôi đã hoạt động hoàn hảo nhưng mọi thứ đều có thể xảy ra. Vì vậy, tôi đề nghị mọi người kiên nhẫn và chưa vội quay trở lại”.
Tại trung tâm thành phố, các cửa hàng trên những đại lộ lớn vẫn đóng cửa, hàng hóa đều đã được chuyển đi. Trên các con phố chính, xe hơi len lỏi giữa các chướng ngại vật chống xe tăng, thỉnh thoảng dừng lại trước trạm kiểm soát được dựng lên từ gạch và bao cát.
Trên các con phố ngoài trung tâm thủ đô, người dân tự dựng rào chắn bằng những vật dụng có sẵn như chảo vệ tinh hỏng, bàn ghế hay lốp xe, dù chúng ít có khả năng ngăn cản được xe tăng hay thiết giáp.
Tại một sân chơi ở quận Sviatoshynskyi, Viktoria Liashchevska đang bế con của mình, bé Lina, trên một chiếc đu quay. Khi xung đột bùng phát, Liashchevska định sơ tán khỏi Kiev, nhưng cuối cùng quyết định bám trụ. “Bạn phải tin tưởng vào bản năng của mình”, cô nói.
Ban đầu Liashchevska sợ hãi đến nỗi không dám ra khỏi nhà. Nhưng bé Lina dường như cảm thấy quá tù túng, nên cô quyết định đưa con ra ngoài chơi mỗi khi cường độ pháo kích giảm bớt. Để trấn an Lina, người mẹ 37 tuổi vờ như mọi thứ đều bình thường. Dần dần, cô trở nên quen với những thực tế mới.
Chứng kiến hệ thống phòng không Ukraine khai hỏa đánh chặn tên lửa Nga khiến Liashchevska cảm thấy yên tâm phần nào và cô cho rằng ngay cả những thành phố xa chiến tuyến cũng không an toàn trước cuộc xung đột.
Thất nghiệp, Liashchevska và chồng hiện phải sống nhờ trợ cấp từ một mạng lưới tình nguyện viên chuyên giúp đỡ những người khó khăn trên khắp thành phố.
Rất nhiều người trong số những cư dân ở lại thành phố là người già hay quá ốm yếu nên không thể di chuyển.
Nadia Bessarab, 68 tuổi, ngủ trên một chiếc giường gấp ở hành lang lối vào căn hộ của mình, nơi được cho là an toàn nhất nếu cửa sổ bị thổi tung vì pháo kích. Tivi trong căn hộ của bà luôn được bật. Bà thường xem tin tức để biết chuyện gì đang diễn ra ở những nơi khác của Ukraine và quá trình đàm phán hòa bình tiến triển đến đâu.
Khi xung đột bùng phát, thế giới của Tetiana và Volodymyr Yarosh bị thu hẹp lại bên trong căn hộ nơi họ sống. Hai người chỉ mạo hiểm ra ngoài để mua đồ dùng cần thiết. Những ngày giao tranh đầu tiên, Yarosh dán băng dính lên cửa sổ để ngăn mảnh kính vỡ bay vào nhà nếu đạn pháo nổ gần đó.
Giống nhiều người dân khác trong thành phố, bà đã học được cách phân biệt giữa tiếng nổ của đạn pháo bắn đi và tiếng rít của viên đạn đang lao tới. “Chúng tôi đã thành các chuyên gia quân sự”, Tetiana nói đùa.
Con gái và con rể họ đã sơ tán đến miền tây Ukraine cùng các con, nhưng ông bà Yarosh quyết định ở lại Kiev để chăm sóc cho người mẹ 93 tuổi.
Sau khi rời khỏi hầm trú ẩn, ông bà Rynk trở về căn hộ trên tầng 5 một khu chung cư. Ông bà đã dần thích nghi với những tình huống bất ngờ, sau khi một quả tên lửa phát nổ gần nơi họ sống tạo ra sóng xung kích bật tung cánh cửa phòng ngủ của hai người. Nhiều cư dân còn lại trong tòa nhà đã chuyển đi từ đó.
Cách đó vài dãy nhà, Natik Mamedov đang kiểm tra lại nội thất bị hư hại bên trong căn hộ của mình trên tầng 9 của một tòa chung cư từng bị bốc cháy vì tên lửa.
Ông đang ở phía tây Ukraine vào thời điểm khu nhà bị tấn công. Ông quay lại để đánh giá thiệt hại và thu hồi những gì có thể, trong đó có bức ảnh thời thơ ấu của con trai ông, hiện sống ở London.
“Chúng tôi sẽ quay về và xây dựng lại”, ông nói. “Nhưng đầu tiên, chúng tôi phải chiến thắng đã”.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)
- Hành trình cậu bé 11 tuổi một mình sơ tán khỏi Ukraine
- Bên trong pháo đài tác chiến của Tổng thống Ukraine
- Cuộc sống bên trong thành phố lực lượng Nga kiểm soát ở Ukraine
Để lại một phản hồi