Nếu phương án nêu trên được thông qua, công ty này sẽ trả cổ tức 10% bằng tiền mặt và 40% bằng cổ phiếu.
Các năm trước đây, Hải An thường chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, nghĩa là với mỗi cổ phiếu đang sở hữu, cổ đông nhận về 1.000 đồng.
Lý giải về phương án tăng cổ tức năm 2021 lên 50%, ban lãnh đạo Vận tải và xếp dỡ Hải An cho biết năm ngoái lợi nhuận lập kỷ lục 445 tỷ đồng, gấp ba lần so với mức bình quân một thập kỷ qua và triển vọng kinh doanh hai năm tới vẫn thuận lợi nên muốn mức cổ tức hấp dẫn hơn.
Lợi nhuận luỹ kế còn giữ lại sau khi chia cổ tức là 56 tỷ đồng.
Sau khi công bố thông tin nêu trên, phiên sáng 9/3, HAH giảm nhẹ so với tham chiếu, sau đó đột ngột đảo chiều tăng hết biên độ lên 93.000 đồng và trắng bên bán.
Cổ phiếu này đang neo ở vùng giá cao nhất trong lịch sử, gấp 10 lần thị giá cách đây hai năm.
Dự kiến Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Hải An sẽ diễn ra vào ngày 18/3.
Diễn biến giá cổ phiếu HAH từ tháng 7/2021 đến nay (Nguồn: TV). |
Vận tải và xếp dỡ Hải An được giới thiệu là doanh nghiệp nắm 30% thị phần vận tải biển nội địa đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 2.388 tỷ đồng và lãi sau thuế 550 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 24% so với năm ngoái.
Công ty dự kiến tỷ lệ cổ tức 30%, trong đó 10% bằng tiền và còn lại là cổ phiếu.
Về đội tàu, trong năm nay, Hải An dự tính mua thêm 2 tàu container đã qua sử dụng loại 1.600-1.700 TEU và đóng mới từ 2-3 tàu container 1.800TEU loại “SDARI Bangkok Mark IV”.
Hệ thống kho bãi của họ tại Vũng Tàu cũng sẽ tiếp tục được đầu tư nhằm hoàn chỉnh chuỗi logistics bao gồm vận tải container, khai thác cảng container và cung cấp dịch vụ thu gom (Consolidation), phân phối (Distribution) và thông quan (Custom Clearance) cho hàng hóa vận chuyển bằng container tại hai khu vực chính của đất nước là Hải Phòng – Hà Nội và Vũng Tàu – Hồ Chí Minh.
Năm ngoái, đại dịch tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, thương mại và đời sống của cả thế giới.
Sự ùn tắc tại các cảng biển lớn ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc do bị phong tỏa, thiếu lao động…làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy gây nên khủng hoảng thiếu tàu và vỏ container, đẩy giá cước vận chuyển container tăng bình quân gấp tới 5 – 6 lần so với giá cước trước đại dịch.
Ở Việt Nam, dịch bệnh cũng ảnh hưởng nặng nề đến TP.HCM và các tỉnh phía Nam làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa bị gián đoạn.
Từ quý IV/2021, kinh tế dần được hồi phục, nhiều nhà máy đã linh hoạt chuyển hướng sang sản xuất và xuất khẩu ở khu vực phía Bắc, nhờ vậy GDP vẫn tăng gần 3%.
Hải An vừa tiếp nhận tàu container thứ 9 mang tên ANBIEN BAY vào cuối tháng 2/2022 và đang cho đối tác TS Line đến hết tháng 3/2022 (Nguồn: HAH). |
Riêng với ngành vận tải biển, do giá cước quốc tế tăng cao, nhiều hãng tàu đã tận dụng cơ hội để cho thuê tàu ra thị trường nước ngoài.
Đồng thời giá cước nội địa cũng được điều chỉnh dần cho phù hợp với xu thế chung nên hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển và logistics vẫn đạt kết quả tốt.
Hoạt động của Hải An cũng được hưởng lợi từ xu thế chung này, đặc biệt nhờ đầu tư thêm tàu nên từ quý cuối năm ngoái, công ty này đã cho thuê dài hạn thêm được 2 tàu loại 1740 – 1800 TEU cho nước ngoài nhờ vậy lợi nhuận quý IV và cả năm 2021 đã tăng gấp 3 lần so với kế hoạch.
Năm nay, theo đánh giá chung của hầu hết các công ty tư vấn vận tải lớn trên thế giới thì tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là thiếu hụt năng lực vận chuyển container sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Vì vậy, ban lãnh đạo Hải An đã xác định định hướng phát triển cho 3 năm tới bao gồm tiếp tục đầu tư, phát triển đội tàu với mục tiêu cung cấp “daily service”; hợp tác với các hãng tàu nước ngoài để phát triển các tuyến vận tải nội Á, trước mắt là Đông Nam Á, Đông Bắc Á để phục vụ hàng xuất khẩu của Việt Nam; tìm kiếm các cơ hội để đầu tư cơ sở hạ tầng cảng và depot ở Vũng Tàu, TP.HCM và Đà Nẵng;…
Để lại một phản hồi