Nghịch lý, nhiều nhà đầu tư Tôn Đông Á khóc ròng khi giá IPO giảm 31%

Giữa tháng 2/2022, HDQT Tôn Đông Á công bố nghị quyết về việc điều chỉnh phương án chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), căn cứ theo tình hình thực tế thống nhất điều chỉnh giá chào bán tối thiểu xuống 40.000 đồng/cổ phiếu.

Số lượng chào bán tổng cộng 15,35 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng, trong đó gần 12,4 triệu cổ phiếu là phát hành tăng vốn và 2,98 triệu là cổ đông hiện hữu chào bán. Mỗi nhà đầu tư được mua tối thiểu 5.000 cổ phiếu và tối đa 5,1 triệu đơn vị. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền cọc từ 11/2 đến 3/3.

Với khối lượng chào bán 12,4 triệu cổ phiếu, Tôn Đông Á dự thu tối thiểu 494,7 tỷ đồng đươc dùng để đầu tư nhà máy 3 thông qua hình thức góp vốn thành lập công ty (345,7 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động.

Trước đó, Tôn Đông Á công bố IPO với giá 58.000 đồng/cổ phiếu, số tiền huy động tối thiểu 717,38 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng gia hạn thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ 7/1-27/1 sang từ 7/1 đến 11/2.

Đến thời điểm này, vẫn không có công bố thông tin về kết quả đợt IPO với mức giá khởi điểm 58.000 đồng/cổ phiếu, nhưng có thể thấy, việc thông báo chào bán lại và hạ giá IPO thì Công ty đã thất bại trong đợt chào bán đầu tiên. Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã không gặp nhau ở định giá cổ phiếu.

Vậy với mức giá mới, giảm đến 31% so với giá đợt 1, với nhiều nhà đầu tư muốn tham gia IPO của Tôn Đông Á sẽ là tin mừng, vì họ sẽ phải trả ít tiền hơn để sở hữu cùng một lượng cổ phiếu.

Thực tế thì có một nhóm nhà đầu lại đang “khóc ròng” vì trước khi thay đổi giá khởi điểm IPO, thông qua một đơn vị tư vấn top 10, đã mua vào hàng triệu cổ phiếu với giá 58.000 đồng/cổ phiếu thì bất ngờ sau hơn 3 tháng nhận thông tin đợt chào bán lần 2 chỉ còn 40.000 đồng/cổ phiếu.

“Cổ phiếu thép trên sàn chỉ giảm khoảng 15%, mình mua pre IPO Tôn Đông Á thì chịu thiệt hại giảm trên tài khoản đến 31% trong khi còn vài tháng nữa mới niêm yết”, một nhà đầu tư cho biết.

Theo chia sẻ của Giám đốc môi giới công ty – trực tiếp thực hiện việc phân phối pre IPO này cho biết, thông thường, thực hiện IPO cho 1 doanh nghiệp sẽ có 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên được gọi là pre IPO – các cổ đông hiện hữu (chủ yếu là cổ đông nội bộ, cán bộ công nhân viên) phân phối ra ngoài và thường là phân phối giá ưu đãi, sẽ thấp hơn mức giá trúng đấu giá thực tế.

Hiểu đơn giản đây là bước phân phối qua OTC cho các nhà đầu tư bên ngoài. Trước đây, khi chưa áp dụng Luật chứng khoán mới, các doanh nghiệp trước khi niêm yết đều có bước này để tăng tính đại chúng, cũng như giúp các cổ đông hiện hữu hiện thực hoá lợi nhuận sau thời gian dài nắm giữ. Trước niêm yết, doanh nghiệp không phải công bố thông tin, theo đó đây cũng là cách để doanh nghiệp cơ cấu lại cổ đông.

Bước 2, tiến hành IPO đại chúng, cũng với giá khởi điểm đó, nhưng dự kiến giá trúng đấu giá cao hơn. Với trường hợp Tôn Đông Á, vị này cho biết, kì vọng giá trúng đấu giá là 64.000 đồng/cổ phiếu – tức cao hơn so với giá khởi điểm đợt 1 là 10%. Đây chính là điểm hấp dẫn để các nhà đầu tư quyết định tham gia

Bước 3 là làm thủ tục niêm yết, và thường cũng sẽ có tạo lập cổ phiếu sau niêm yết.

Theo vị này, với sự kiện đặc biệt là IPO và niêm yết cổ phiếu, doanh nghiệp đều đưa mức giá chiết khấu để tạo động lực tăng giá cho cổ phiếu, tăng tính hấp dẫn và đảm bảo đợt IPO thành công. Và ở mỗi bước kể trên, nhà đầu tư đều được tiếp cận tài liệu thông tin tương đương nhau, từ bản cáo bạch, đến góc nhìn định giá.

Trên thực tế, tham gia đầu tư thì các quyết định đầu tư thuộc về nhà đầu tư, kết quả thắng hay thua là điều bình thường và không đáng quan tâm nếu không đi kèm với những lời “hứa hẹn”, vẽ ra “viễn cảnh” tươi đẹp từ IPO.

“Chính vì thế, tôi và các nhà đầu tư cảm giác như vừa ăn một cú lừa, từ triển vọng cơ hội đầu tư tốt thì đợt pre IPO Tôn Đông Á như là nơi cho các cổ đông nội bộ tranh thủ thoái vốn giá cao cho các nhà đầu tư cá nhân. Nếu không có target 64.000 đồng/cổ phiếu kể trên, thì cứ IPO mình tham gia, thậm chí có khi chờ hẳn niêm yết mới tham gia chứ việc gì phải mua rồi ôm vài tháng mới được giao dịch”, vị giám đốc môi giới này cho biết.

Vị này chia sẻ, đã liên hệ với bộ phận nhà đầu tư của Tôn Đông Á vài tuần trước để chờ phản hồi; tuy nhiên, công ty mới chỉ phản hồi gần đây và đưa ra lịch hẹn để đưa ra hướng giải quyết.

Qua trường hợp này để thấy, đây là một trong những rủi ro cho các nhà đầu tư tham gia pre IPO cũng như cả IPO, và Tôn Đông Á không phải là trường hợp duy nhất.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*