Nhiều doanh nghiệp Việt rời xa lĩnh vực cốt lõi để phiêu lưu với chứng khoán: Con đường của Berkshire Hathaway không dễ đi!

Nhà đầu tư chứng khoán hẳn không còn xa lạ với cái tên Berkshire Hathaway, cổ phiếu thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới của huyền thoại Warren Buffett. Dù vậy, ít ai biết rằng Berkshire Hathaway có nguồn gốc là một doanh nghiệp dệt may với tên gọi Valley Falls được thành lập từ năm 1839.

Berkshire Hathaway từng rất thành công trong lĩnh vực dệt may những năm 1940 với doanh thu hàng trăm triệu USD. Doanh nghiệp này bắt đầu xuống dốc từ những năm 1950 trước khi chính thức về tay Warren Buffett năm 1965. Trong 2 năm sau đó, Berkshire Hathaway bắt đầu có lợi nhuận nhưng không tái đầu tư vào ngành dệt may.

Nhà hiền triết xứ Ohama bắt đầu phác thảo một Berkshire Hathaway hoàn toàn khác, không phải chuyên ngành dệt may mà vốn đầu tư được phân bổ ở bất kỳ nơi nào có thể mang lại lợi nhuận cao. Thời kỳ thị trường sụp đổ 1973-1974 là bệ phóng để Berkshire của Buffett bắt đầu chuyển mình thành một công ty chứng khoán đại chúng chuyên bỏ vốn vào các công ty khác.

Đến thời điểm hiện tại, Berkshire Hathaway đã trở thành “gã khổng lồ” với danh mục đầu tư trải rộng trên hầu hết các lĩnh vực từ tài chính – bảo hiểm, công nghiệp, dịch vụ, công nghệ,… Cổ phiếu loại A của Berkshire Hathaway hiện đã vượt ngưỡng 500.000 USD/cổ phiếu qua đó đẩy vốn hóa lên trên 750 tỷ USD, xếp thứ 6 tại Mỹ.

Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp cũng đang tìm hướng đi tương tự mà Berkshire Hathaway của Warren Buffett từng trải qua. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh truyền thống, các doanh nghiệp đã không ngần ngại đem tiền đầu tư chứng khoán để “cứu” lợi nhuận.

CTCP Đầu tư ICapital (mã PTC) là một trong những cái tên đã “lột xác” nhờ hoạt động tài chính trong đó nổi bật là đầu tư chứng khoán. Doanh nghiệp này tiền thân là CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện, thành lập từ năm 1976 hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp nhưng nay đã đổi tên và cũng đổi luôn định hướng phát triển.

3 năm gần nhất, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của ICapital đã giảm xuống rất thấp, thậm chí “về mo” do không còn mảng xây lắp. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn có lãi đều đặn trên dưới 60 tỷ đồng nhờ các khoản thu từ hoạt động tài chính thường xuyên duy trì trên 80 tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận được cải thiện đã giúp ICapital xóa được hết lỗ lũy kế từ năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp Việt rời xa lĩnh vực cốt lõi để phiêu lưu với chứng khoán: Con đường của Berkshire Hathaway không dễ đi! - Ảnh 1.

Doanh thu tài chính giúp ICapital lãi đều đặn hàng năm

Năm qua, ICapital đã chốt lời 234.800 cổ phiếu HID lãi gần 100 triệu đồng, 623.640 cổ phiếu DIG lãi gần 6 tỷ đồng, 5,66 triệu cổ phiếu CEO lãi 17 tỷ đồng. Chiều ngược lại, ICapital cũng đã mua mới nhiều mã cổ phiếu trong đó đáng chú ý có 750.00 cổ phiếu HPG và 600.000 cổ phiếu TCB.

Tại thời điểm 31/12/2021, danh mục đầu tư của ICapital có giá trị thị trường vào khoảng 66,7 tỷ đồng trong khi giá gốc là 71,6 tỷ đồng. Do đó, công ty đã phải trích lập dự phòng 4,9 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này.

Ban lãnh đạo ICapital cho biết, hoạt động xây lắp trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn với rủi ro cao. Do đó, công ty đã định hướng chuyển dần trọng tâm hoạt động sang đầu tư tài chính ngắn hạn trong quá trình tìm kiếm các cơ hội đầu tư dài hạn. ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 cũng đã ra nghị quyết phê duyệt ngành nghề chính của công ty là đầu tư tài chính bao gồm mua bán chứng khoán và đầu tư vào các công ty liên kết, công ty con.

Ngoài các cổ phiếu trên sàn, ICapital còn khoảng 333 tỷ đầu tư góp vốn vào đơn vị khác chủ yếu là các công ty liên kết trong lĩnh vực điện gió như Điện gió Hướng Linh 7 (148 tỷ đồng) và Điện gió Hướng Linh 8 (166 tỷ đồng). ICapital cũng mới thông qua nghị quyết tăng sở hữu tại Điện gió Hướng Linh 8.

CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) cũng đã có nhiều năm “phiêu lưu” cùng chứng khoán. Thậm chí, giá trị danh mục đầu tư chứng khoán vào cuối năm 2021 còn chiếm đến gần 1/3 tổng tài sản. Thời điểm 31/12/2021, danh mục chứng khoán của Nhà Đà Nẵng đạt 485 tỷ đồng trong khi giá trị thị trường chỉ ở mức 450 tỷ đồng, tạm lỗ 43,5 tỷ đồng.

Khoản đầu tư lớn nhất là cổ phiếu SHB với giá gốc 217 tỷ đồng nhưng giá trị thị trường chỉ còn 177 tỷ đồng tại thời điểm lập báo cáo. Ngoài ra, công ty còn nắm giữ một loạt cổ phiếu khác như TCB, VHM, VNM, DGC, ABB, EIB, FLC, KBC, TPB, NVL, TTF,…

Nhiều doanh nghiệp Việt rời xa lĩnh vực cốt lõi để phiêu lưu với chứng khoán: Con đường của Berkshire Hathaway không dễ đi! - Ảnh 2.

Danh mục cổ phiếu thời điểm cuối năm 2021 của NDN dài không kém danh mục tự doanh của các CTCK

Tại thời điểm 31/12/2021, tiền gửi có kỳ hạn của Nhà Đà Nẵng đã giảm đáng kể từ 1.222 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 586 tỷ đồng. Nhiều khả năng doanh nghiệp này đã rút một phần tiền gửi ra để đầu tư chứng khoán trong năm qua.

Động thái mạnh tay đầu tư chứng khoán diễn ra trong bối cảnh Nhà Đà Nẵng đang thiếu dự án gối đầu trong những năm tới trong khi dự án duy nhất đang bước vào giai đoạn cuối của quá trình bàn giao và ghi nhận lợi nhuận.

Theo đó, doanh thu năm 2021 của Nhà Đà Nẵng đạt 509 tỷ đồng, giảm 40,7% so với năm trước do tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc chuyển nhượng căn hộ tại dự án Khu phức hợp Monarchy Block B. Lợi nhuận sau thuế thu về 235 tỷ đồng, giảm 26,7% so với năm trước dù doanh thu tài chính đã tăng đến 67% lên 206 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP Licogi 14 (mã L14) là “tay chơi” mới nổi trong các hoạt động đầu tư tài chính khi bất ngờ phát sinh khoản lãi đầu tư cổ phiếu 376 tỷ đồng quý 4/2021. Con số lũy kế cả năm lên đến hơn 385 tỷ đồng trong khi năm trước chưa hề có khoản thu này. Nhờ đó, khoản doanh thu tài chính cũng tăng đột biến lên hơn 397 tỷ đồng trong khi các năm trước đỉnh điểm cũng chỉ ở mức 18 tỷ đồng chủ yếu đến từ lãi tiền gửi.

Thời điểm cuối năm 2021, khoản mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 chiếm gần 42% tổng tài sản, lên đến 486 tỷ đồng. Toàn bộ được rót vào 2 cổ phiếu “hot” ngành bất động sản là CEO (298 tỷ đồng) và DIG (188 tỷ đồng). Giá trị hợp lý của danh mục lên đến gần 816 tỷ đồng trong đó công ty tạm ghi lãi 239 tỷ đồng với CEO và 91 tỷ đồng với DIG tại thời điểm cuối năm 2021.

Ngoài ra, Licogi 14 còn có gần 260 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn, tăng gần 50 tỷ đồng so với đầu năm. Giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn cũng theo đó tăng gấp 3,6 lần đầu kỳ lên mức 746 tỷ đồng, trở thành khoản mục lớn nhất trong tổng tài sản với tỷ trọng lên đến 64%. Theo giải trình, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ hoạt động tái cấu trúc sau khi Licogi 14.6 đổi tên thành Đầu tư tài chính Licogi 14 (LFI) và thực hiện các phương án đầu tư tài chính từ quý 3/2021.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính là bất động sản gặp khó khăn, lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán trở thành yếu tố quyết định giúp lợi nhuận Licogi 14 tăng trưởng trở lại sau 2 năm liên tiếp đi lùi. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đã giảm hơn 11% so với năm trước đó và tiếp tục “bốc hơi” 59% trong năm 2020 còn gần 41 tỷ đồng. Năm 2021, LNTT của Licogi 14 đã tăng gấp 10,5 lần lên 433 tỷ đồng nhưng riêng lãi đầu tư chứng khoán đóng góp đến 385 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp Việt rời xa lĩnh vực cốt lõi để phiêu lưu với chứng khoán: Con đường của Berkshire Hathaway không dễ đi! - Ảnh 3.

Lợi nhuận năm 2021 của Licogi 14 tăng vọt nhờ đầu tư cổ phiếu

Khác với L14, CTCP SAM Hodlings (mã SAM) – một trong những doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán, đã hướng sang đầu tư tài chính từ khá sớm. Nhận thấy ngành nghề truyền thống là sản xuất dây và cáp không còn nhiều tiềm năng phát triển, SAM Hodlings đã quyết định bơm vốn mua những cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Dù có định hướng chọn bất động sản làm lĩnh vực chiến lược từ năm 2016 nhưng đầu tư tài chính vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của SAM Hodlings. Năm 2021, hoạt động tài chính đóng góp đến 362 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ lại giảm 41% xuống gần 81 tỷ đồng.

Thời điểm cuối năm 2021, SAM Holdings dành đến gần 1.900 tỷ đồng (1/4 tổng tài sản) đầu tư vào chứng khoán kinh doanh (279 tỷ đồng), các công ty liên doanh, liên kết (706 tỷ đồng) và góp vốn vào đơn vị khác (873 tỷ đồng).

Bên cạnh việc nắm giữ một loạt cổ phiếu niêm yết tên tuổi như HPG, DNP, FPT, SSI, MWG, TCB, HCM…, SAM Holdings còn một số khoản đầu tư đáng chú ý như Dược Việt Nam (mã DVN) với 274 tỷ đồng và đặc biệt là Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương – CTCP (mã PRT) với gần 511 tỷ đồng.

Chứng khoán như một “nghề tay trái”

Ngoài những cái tên gần như đã chuyển hẳn sang đầu tư tài chính, nhiều doanh nghiệp lại lựa chọn chứng khoán như “nghề tay trái” bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Với CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC), đầu tư chứng khoán cũng chỉ như “cuộc dạo chơi” khi giá trị khoản mục chứng khoán kinh doanh chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên tổng tài sản. Kể từ khi bắt đáy Covid vào quý 2/2020, giá trị danh mục chứng khoán của Vĩnh Hoàn chưa bao giờ vượt quá 200 tỷ đồng tại thời điểm cuối mỗi quý.

Nhiều doanh nghiệp Việt rời xa lĩnh vực cốt lõi để phiêu lưu với chứng khoán: Con đường của Berkshire Hathaway không dễ đi! - Ảnh 4.

Khoản mục chứng khoán kinh doanh của Vĩnh Hoàn đang thu hẹp

Trong khối tài sản lên đến hơn 8.700 tỷ đồng cuối năm 2021, Vĩnh Hoàn chỉ dành chưa đến 80 tỷ đồng đầu tư chứng khoán trong đó đáng chú ý có 24 tỷ đồng cổ phiếu Nam Long (mã NLG) và 53,2 tỷ đồng cổ phiếu Đất Xanh Services (mã DXS). Thời điểm 31/12/2021, Vĩnh Hoàn tạm lãi hơn 1 tỷ cho khoản đầu tư cổ phiếu NLG và 10 tỷ khoản đầu tư vào DXS.

Năm 2021, Vĩnh Hoàn cũng chỉ ghi nhận lãi ròng 36,2 tỷ đồng từ chứng khoán kinh doanh, con số này rất nhỏ so với tổng lợi nhuận trước thuế gần 1.290 tỷ đồng. Điều này cho thấy Vĩnh Hoàn đầu tư chứng khoán chủ yếu nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng lượng tiền nhàn rỗi.

Các sản phẩm từ cá tra vẫn là chủ lực của Vĩnh Hoàn giúp công ty mang về 9.054 tỷ đồng doanh thu năm 2021. Thực tế, giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của Covid-19 cũng đã qua và hầu hết các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp đều phục hồi mạnh trong quý cuối năm, đặc biệt là Mỹ. Do đó, việc mở rộng hoạt động đầu tư “trái tay” có lẽ không còn quá cần thiết.

Trong khi đó, CTCP MHC (mã MHC) – một doanh nghiệp cảng biển lại lỗ trong quý cuối năm do kinh doanh chứng khoán. Cụ thể, doanh thu tài chính trong kỳ tăng gấp 9 lần lên 83 tỷ đồng nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí tài chính lên đến gần 123 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số 34 tỷ đồng cùng kỳ chủ yếu phát sinh từ hoạt động đầu tư tài chính, kinh doanh chứng khoán.

Thua lỗ trong cả 2 quý cuối năm nhưng MHC vẫn lãi ròng 48,8 tỷ đồng năm 2021, khả quan hơn nhiều so với số lỗ 1,2 tỷ đồng cùng kỳ. Kết quả này có được chủ yếu nhờ hoạt động tài chính khi mang về doanh thu 376 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ các khoản đầu tư tài chính, chứng khoán, khác đóng góp 363 tỷ đồng. Mặt khác, công ty chỉ dự phòng giảm giá 267 tỷ đồng.

Rõ ràng, các khoản đầu tư tài chính vẫn đóng vai trò quan trọng giúp MHC lãi lớn trong khi lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh truyền thống chỉ mang về vỏn vẹn 4 tỷ đồng trong năm qua. Tuy nhiên, mức lãi không ổn định cũng khiến lợi nhuận ròng của công ty trồi sụt thất thường qua từng quý.

Thời điểm 31/12/2021, giá trị danh mục chứng khoán kinh doanh của MHC ở mức 620 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản trong đó đáng chú ý có 300 tỷ đồng trái phiếu CTCP Đầu tư Nước sạch và Môi trường Eco&More.

Ngoài ra, MHC còn đang nắm giữ cổ phiếu của Tổng CTCP Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) với giá gốc 105,4 tỷ đồng; cổ phiếu IDC (96,9 tỷ đồng); cổ phiếu GEX (61,05 tỷ đồng). Như vậy, trong năm 2021, công ty đã đầu tư mới vào cổ phiếu IDC và đã trích lập dự phòng, đồng thời tiếp tục nắm giữ cổ phiếu GEX.

Thị trường chứng khoán bùng nổ kích thích ngày càng nhiều doanh nghiệp rót tiền vào chứng khoán nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn, thậm chí chuyển hướng kinh doanh sang đầu tư tài chính. Dù vậy, các khoản đầu tư chứng khoán không phải lúc nào cũng cho “quả ngọt” do những biến động khó lường của thị trường.

Thêm nữa, nhiều dự báo của các công ty chứng khoán, tổ chức đầu tư trong nước và quỹ ngoại cho rằng, thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ không còn dễ dàng như năm trước dù cơ hội vẫn còn. Do đó, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước các quyết định xuống tiền để tránh tiêu hao nguồn lực, ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông.

https://babfx.com/nhieu-doanh-nghiep-viet-roi-xa-linh-vuc-cot-loi-de-phieu-luu-voi-chung-khoan-con-duong-cua-berkshire-hathaway-khong-de-di-20220323010921282.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*