Mùa Đại hội cổ đông thường niên 2022 bắt đầu “rục rịch” diễn ra với các kế hoạch kinh doanh dần được hé lộ. Khác với các phương án tăng vốn khủng được trình cổ đông, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) lại tỏ ra dè dặt với kế hoạch kinh doanh năm 2022, thậm chí “cài số lùi” lợi nhuận.
Nổi bật trong số này là Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – mã VDS) dù muốn tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.100 tỷ đồng nhưng lại bất ngờ trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận sau thuế (LNST) giảm hơn 5,5% so với năm 2021 xuống mức 403,2 tỷ đồng. Mặt khác, tổng doanh thu năm 2022 dự kiến tăng 13% so với thực hiện năm ngoái lên 1.193,6 tỷ đồng nhờ các hoạt động môi giới, dịch vụ chứng khoán, ngân hàng đầu tư tăng trưởng mạnh.
Tương tự, Chứng khoán FPT (FPTS – mã FTS) cũng đề ra kế hoạch kinh doanh đi lùi cho năm 2022. Theo đó, CTCK này trình Đại hội cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu đạt 1.090 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 680 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,7% và 6,3% so với thực hiện năm 2021.
Chứng khoán SmartInvest (mã AAS) cũng muốn tăng vốn đột biến từ 800 tỷ lên 5.000 tỷ đồng nhưng kế hoạch kinh doanh lại không có nhiều bứt phá. Năm 2022, SmartInvest kỳ vọng tổng doanh thu hoạt động đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. LNST mục tiêu đạt 480 tỷ, tăng 27% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Chứng khoán Thành Công (mã TCI) chỉ đạt mục tiêu LNST nhích nhẹ 2,3% lên 222 tỷ đồng dù dự kiến doanh thu tăng 37% so với cùng kỳ lên 435 tỷ đồng. Trong năm nay, CTCK này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ gấp 1,7 lần lên hơn 1.700 tỷ đồng thông qua trả cổ tức, chào bán cho cổ đông hiện hữu và ESOP.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC – mã VCI) cũng lên kế hoạch kinh doanh 2022 đầy thận trọng với doanh thu dự kiến 3.240 tỷ đồng, giảm 13% và LNTT chỉ nhích nhẹ 3% so với năm 2021 đạt 1.900 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, CTCK này cũng chưa có phương án tăng vốn trong năm nay.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã SHS) cũng có kế hoạch tăng vốn gấp đôi lên hơn 6.500 tỷ đồng nhưng vẫn khá thận trọng trong việc lên kế hoạch kinh doanh năm 2022. Dù chưa có số liệu cụ thể tuy nhiên SHS cho biết, ban điều hành công ty đã họp để đưa ra những dự kiến về kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ tối thiểu là 20%.
Chứng khoán Phú Hứng (mã PHS) thậm chí còn dè dặt trong cả kế hoạch tăng vốn điều lệ và các chỉ tiêu kinh doanh chính. CTCK này dự kiến sẽ tăng vốn thêm 500 tỷ đồng lên mức 1.900 tỷ đồng. Tổng doanh thu kỳ vọng đạt trên 604 tỷ đồng và LNST dự kiến 160,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 14% so với kết quả năm trước.
Điểm chung của các cái tên kể trên là đều có một năm 2021 kinh doanh bùng nổ với lợi nhuận tăng bằng lần và vượt xa kế hoạch đề ra. Mặc dù đánh giá thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn còn nhiều thuận lợi tuy nhiên kết quả kinh doanh của các CTCK này khó bứt phá mạnh là điều dễ hiểu khi nền cơ sở so sánh đã cao hơn rất nhiều.
Chiều ngược lại, không ít CTCK đã “gây sốc” với kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng cùng các phương án tăng vốn khủng.
VPBank Securities sau khi được VPBank hậu thuẫn đã mạnh dạn đưa ra kế hoạch tăng vốn gấp 33 lần từ gần 269 tỷ đồng lên mức 8.920 tỷ đồng để chen chân vào top 3 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất. Cùng với đó, CTCK này đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 đầy táo bạo với doanh thu 1.509 tỷ đồng và LNST 632 tỷ đồng, lần lượt gấp 131 lần và 105 lần so với thực hiện năm 2021.
Chứng khoán Tiên Phong (mã ORS) cũng không ngần ngại đặt kế hoạch doanh thu 1.981 tỷ đồng và LNTT 500 tỷ đồng, tương ứng tăng 46% và 85% so với thực hiện năm ngoái. Theo như kế hoạch, CTCK này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng lên mức 5.000 tỷ đồng.
Chứng khoán MB (mã MBS) cũng đặt mục tiêu khủng năm 2022 với doanh thu dự kiến 3.027 tỷ đồng và LNTT 1.100 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện năm 2021. Hiện tại, MBS chưa hé lộ về kế hoạch tăng vốn trong năm nay nhưng nhiều khả năng CTCK này cũng sẽ thực hiện nâng vốn điều lệ để gia tăng năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh trong các hoạt động cốt lõi.
Cơ hội còn nhưng sẽ không quá dễ dàng
Các CTCK thận trọng trong các kế hoạch kinh doanh hoàn toàn có cơ sở khi nhiều dự báo cho thấy thị trường chứng khoán năm 2022 khó bùng nổ như năm ngoái và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nhóm Chứng khoán.
Chứng khoán KIS cho rằng, doanh thu và lợi nhuận của CTCK dự báo sẽ không tăng trưởng bứt phá trong năm 2022 đặc biệt khi so với nền cao của năm 2021. Năm 2021 thanh khoản kỷ lục thúc đẩy hoạt động môi giới tuy nhiên thanh khoản có khả năng không tăng trưởng thêm trong năm 2022 sẽ gây áp lực lên doanh thu mảng môi giới.
Thanh khoản có dấu hiệu chững lại sau khi đạt đỉnh cuối năm 2021
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay margin tăng trưởng đều đặn theo quý nhưng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại trong quý 4/2021. Hoạt động tự doanh vốn dĩ là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các CTCK cũng được đánh giá sẽ khó khăn hơn trong năm 2022 do chứng khoán không còn quá “êm đềm” như năm 2021.
Chứng khoán KIS cho rằng cũng không quá đáng lo ngại so với các công ty chứng khoán trong nửa đầu năm 2022 và kết quả kinh doanh trong quý 1/2022 vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, với nửa sau của năm 2022, KIS lại cho rằng sẽ cần theo dõi diễn biến của thị trường để có thể ước tính hiệu quả kinh doanh của các CTCK.
Đồng quan điểm, trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022, SSI Research cũng thừa nhận rằng năm Nhâm Dần 2022 có thể là một năm không còn quá dễ dàng và công ty chứng khoán này đưa quan điểm trung lập, không khuyến nghị mua hay bán với cổ phiếu nhóm Chứng khoán.
https://babfx.com/thi-truong-khong-con-qua-em-dem-nhieu-cong-ty-chung-khoan-than-trong-voi-ke-hoach-kinh-doanh-2022-20220317104927867.chn
Để lại một phản hồi