Tạo nguồn lực mới đưa Lào Cai cất cánh

Thành phố Lào Cai (Ảnh: Báo Lào Cai)

Định hướng trở thành tỉnh phát triển

Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra những nguồn lực mới để Lào Cai cất cánh phát triển thời gian tới; hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển của cả nước, là cực tăng trưởng và là trung tâm kết nối vùng Tây Nam Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN. Đó là kỳ vọng được ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu rõ sau khi Hội đồng Thẩm định Nhà nước công bố kết quả 26/26 thành viên Hội đồng thông qua bản quy hoạch này vào tuần qua.

Thời gian qua, kinh tế tỉnh Lào Cai đã có mức tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng bình quân trên 9%/năm trong giai đoạn 2015 – 2020.

Hiện nay, Lào Cai có thế mạnh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý; là trung tâm dịch vụ trung chuyển logistics; có tiềm lực kinh tế tăng nhanh; hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ.

Tuy nhiên, điểm yếu của tỉnh là chất lượng tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người cũng như chất lượng lao động còn thấp. Một số tiềm năng, lợi thế của tỉnh đã tới mức giới hạn, như sức chứa du lịch, trữ lượng khoáng sản.

Để thực hiện mục tiêu “cất cánh phát triển” thời gian tới, tỉnh Lào Cai xây dựng Quy hoạch dựa trên nội dung chính: Một trục động lực, Hai cực phát triển, Ba vùng kinh tế, Bốn trụ cột tăng trưởng, Năm nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, trục động lực phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu; trùng với Hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Nội hàm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuỗi đô thị, trung tâm sản xuất, dịch vụ có vai trò liên kết 3 vùng kinh tế của tỉnh, kết nối vùng, liên vùng.

Hai cực phát triển gồm: Cực phía Bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam Trung Quốc; Cực phía Nam kết nối với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ và khu vực ASEAN.

Ba vùng phát triển gồm: Vùng thấp tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, du lịch; Vùng cao tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, văn hoá tộc người…; Vùng trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ – thương mại, với trọng tâm là kinh tế cửa khẩu.

Bốn trụ cột tăng trưởng gồm kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến – chế tạo.

Năm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá con người Lào Cai.

Cần giải quyết hài hòa các trụ cột phát triển

Góp ý cho bản quy hoạch, GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân đặt vấn đề, trong vài năm trở lại đây, tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ trong tổng thể kinh tế của Lào Cai giảm, đi ngược với xu hướng chung của cả nước. Trong khi đó, đây lại là lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tỉnh Lào Cai đã đặt vấn đề đúng khi xác định “điểm nghẽn” phát triển du lịch của tỉnh là vấn đề nhân lực. “Sử dụng nhân lực tại chỗ rất khó, thu hút ở ngoài về thì cơ cấu thế nào? Lào Cai phải gắn kết các tỉnh trong vùng để đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sống, việc làm, thu nhập cho người dân, đồng bào dân tộc”, Bộ trưởng gợi mở.

Đánh giá cao quan điểm phát triển và việc đưa ra các cực phát triển của Lào Cai, song chuyên gia Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) lưu ý, cần đánh giá tác động lan tỏa của các dự án khu, cụm công nghiệp để xác định được ngành công nghiệp trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phải đặt quy hoạch tỉnh Lào Cai trong bối cảnh mới gắn với các định hướng lớn của Chính phủ về phát triển khu vực biên giới, Khu du lịch quốc gia Sa Pa, cảng hàng không; quy hoạch phải làm nổi bật các tiềm năng, vị thế, hướng đột phá, đặt trong tổng thể quy hoạch vùng và cả nước.

“Lào Cai cần xác định vị trí cầu nối của tỉnh với thị trường Tây Nam Trung Quốc là lợi thế cạnh tranh rất lớn, nên cần đưa ra định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu thật rõ nét. Cùng với đó, cần giải quyết hài hòa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đây là quan điểm phải đưa lên hàng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*