Xây dựng trung tâm tài chính TP.HCM theo hướng tích hợp, sáng tạo

TP.HCM là thành phố đầu tiên ở Việt Nam được đánh giá đủ tiềm năng để hình thành trung tâm tài chính quốc tế.

Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam cho rằng, một mô hình phù hợp cho TP.HCM sẽ tận dụng được hết lợi thế của vị trí chiến lược của Thành phố và phù hợp với nhu cầu tương lai của các trung tâm tài chính quốc tế đang không ngừng phát triển. Thách thức này sẽ phải được xác định thông qua định hướng phát triển chiến lược của Thành phố.

“Dựa trên kinh nghiệm, chúng tôi thấy rằng, để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, cần phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nền tảng cứng và mềm”, ông Trường nói.

Theo ông Trường, nền tảng cứng là các hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến, trung tâm thị trường vốn, sự hiện diện của các công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia và hạ tầng kết nối được thiết lập tốt. Còn nền tảng mềm là môi trường sống đẳng cấp quốc tế để thu hút nhân tài chất lượng cao, hệ sinh thái kinh doanh cởi mở và thân thiện để thu hút các công ty khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực fintech, cùng hệ thống giáo dục quốc tế để nâng cao năng lực của nguồn nhân lực tại địa phương. Nguồn nhân lực là nền tảng và tạo ra sức hấp dẫn đối với các tập đoàn và chuyên gia toàn cầu.

“Chúng tôi tin rằng, TP.HCM có thể theo đuổi mô hình trung tâm tài chính tích hợp, sáng tạo, nhưng phải hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ chốt của Thành phố”, ông Trường nói.

Trong khi đó, TS. Seng Kiong Kok (Đại học RMIT) đánh giá, TP.HCM đang trong thời điểm thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính. Đó là khi Thành phố chưa phải tuân theo một mô hình định sẵn về thành lập trung tâm tài chính, mà có thể linh động áp dụng những yếu tố hiệu quả nhất để đảm bảo có thể xây dựng được một trung tâm tài chính thích hợp.

“TP.HCM có nhiều tiền đề thích hợp để hình thành trung tâm tài chính thành công, như có thị trường lao động sâu rộng và linh hoạt với nền tảng tri thức ngày càng cao và sự quốc tế hóa ngày càng tăng của các lĩnh vực phi tài chính. Ngoài ra, TP.HCM là địa phương tiên phong trong trong việc phát triển các công nghệ mới như blockchain trong hệ sinh thái fintech. Việc này càng nâng cao danh tiếng của Thành phố trong việc đi đầu hội nhập trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Seng Kiong Kok nói.

Về phần mình, ông Tan Eng Kiat, quản lý cấp cao về quy hoạch và thiết kế đô thị thuộc Công ty Surbana Jurong (Singapore) cho rằng, một mô hình hybrid sẽ phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu thay đổi của nền kinh tế hiện nay, bởi Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có một nền kinh tế khởi nghiệp sôi động và nhu cầu về không gian cho các công ty khởi nghiệp và lĩnh vực công nghệ cũng đa dạng hơn so với nhu cầu của lĩnh vực tài chính truyền thống.

“Ngoài việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp và các công ty công nghệ, trung tâm tài chính cần phải phục vụ các đối tượng khác nữa, thay vì chỉ giới hạn ở các tập đoàn tài chính, ngân hàng. Sự đa dạng này sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động hơn. Điều này có tác động tích cực đến việc đa dạng hóa nguồn nhân lực và cư dân sinh sống tại đây”, ông Tan Eng Kiat nhấn mạnh.

Đồng thời, theo ông Tan Eng Kiat, Thành phố cũng cần tập trung vào khía cạnh chất lượng cuộc sống của cư dân, vấn đề quan trọng để thúc đẩy nền văn hóa đổi mới mạnh mẽ và làm cho nó trở nên hấp dẫn không chỉ đối với các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ, mà còn tạo ra một thành phố tốt hơn cho tất cả mọi người.

“Các tòa nhà thương mại ở các trung tâm tài chính thường được ưa chuộng hơn so với các trung tâm giải trí vì chúng mang lại lợi tức đầu tư lớn hơn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các khu trung tâm tài chính có nguy cơ trở nên vắng vẻ sau giờ làm việc và trong thời gian cuối tuần. TP.HCM có khả năng tránh được điều này, vì Thành phố hiện tại có nền văn hóa hoạt động xã hội và cộng đồng rất mạnh mẽ và sôi động”, ông Tan Eng Kiat đánh giá.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*