4 kiểu doanh nghiệp nhà đầu tư nên cẩn trọng trước khi xuống tiền mua cổ phiếu

Thị trường chứng khoán vốn dĩ là một kênh đầu tư rủi ro và đầy cạm bẫy. Như Warren Buffett đã từng nói, cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là trước khi quyết định bỏ tiền vào mã cổ phiếu nào đó là cần đánh giá được giá trị thực của doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp tốt, dù hứng chịu bao nhịp rung lắc của thị trường vẫn sẽ hồi phục mạnh mẽ và tăng trưởng. Còn đối với những doanh nghiệp yếu kém, sớm muộn cũng sẽ khiến nhà đầu tư thua lỗ. Để giúp nhà đầu tư nhận diện những rủi ro, chuyên gia Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã đưa ra 4 loại hình doanh nghiệp nên cẩn trọng trước khi đầu tư.

Thứ nhất, doanh nghiệp hoạt động đa ngành

Theo phân tích của chuyên gia, bản chất doanh nghiệp đa ngành không phải xấu. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xem xét cách quản trị khi mở rộng sang lĩnh vực mới như thế nào. Nếu doanh nghiệp dồn gần như toàn bộ vốn hay thậm chí đi vay ngoài để mở rộng kinh doanh đa ngành thì mức độ rủi ro khá cao. Đơn cử là trường hợp của Tập đoàn bất động sản hàng đầu thế giới Evergrande cũng không ngừng mở rộng với phương châm “Công nghệ kỹ thuật số và đa ngành”. Hoạt động kinh doanh của Evergrande trải khắp các lĩnh vực là xe điện, thực phẩm, truyền thông, âm nhạc,..Tuy nhiên chính việc quản trị rủi ro không tốt đã khiến Tập đoàn này trở thành quả bom nổ chậm, nợ nần chồng chất.

Nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là sự lựa chọn khôn ngoan thay vì kinh doanh dàn trải nhiều lĩnh vực. Đưa ra ví dụ với PNJ, đơn vị này đã từng “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực khác như ngân hàng, bất động sản, song lợi nhuận của những khoản đầu tư này lại không mấy khả quan và dần trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Bởi vậy PNJ đã dần thoái vốn khỏi những mảng này, tập trung vào hoạt động trang sức vàng và xây dựng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Thứ hai, doanh nghiệp không thích ứng được với sự biến đổi của thị trường

Với sự chuyển động không ngừng của kinh tế, sự đổi mới không ngừzng để nâng cao năng lực cạnh tranh là điều quan trọng. Nếu doanh nghiệp không thích ứng được với sự biến động sẽ rất dễ mất đi thị phần. Ví dụ như trường hợp của hãng taxi Vinasun sau khi xuất hiện những hãng xe công nghệ mới đã dần mất đi sức cạnh tranh, dù trong khứ từng là “ông hoàng” trong mảng taxi. Việc sử dụng công nghệ đã loại Vinasun khỏi “ngai vàng”, doanh nghiệp trượt dài trong thua lỗ. Do đó, đây cũng là một yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm khi lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư.

Thứ ba, doanh nghiệp có bất thường trong báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính là một công cụ quan trọng để loại bỏ những doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đưa ra dẫn chứng để hiểu rõ hơn, chuyên gia Yuanta phân tích về cổ phiếu DVD của Công ty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông, doanh nghiệp từng được xem là trường hợp đầu tiên bị truy tố vi phạm trên thị trường chứng khoán. Nếu nhà đầu tư để ý kĩ báo cáo tài chính sẽ thấy nhiều điểm đáng ngờ. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của mã này tăng vọt trước niêm yết, trong khi dòng tiền kinh doanh của công ty âm nghiêm trọng. Đồng thời, nhìn vào kết quả kinh doanh có thể thấy doanh thu tăng vọt 50%, mặc dù thuộc lĩnh vực dược phẩm cấp thấp. Sau khi cổ phiếu tăng gần gấp 3 lần, CEO Lê Văn Dũng bị bắt tạm giam vì tội làm giả sổ sách và thao túng giá. Bài học đưa ra là nhà đầu tư cần phải quan sát kĩ báo cáo tài chính, đọc vị những điểm bất thường trước khi xuống tiền mua một cổ phiếu

Thứ tư, doanh nghiệp liên tục phát hành pha loãng cổ phiếu

Theo lý giải của chuyên gia, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lựa chọn phát hành thêm cổ phiếu thay vì chi trả cổ tức, tiền mặt bởi là do doanh nghiệp cần vốn. Nguồn tiền thu được sau phát hành có thể đem đi tái đầu tư, mở rộng sản xuất, song cũng có thể vì doanh nghiệp đang gặp khó khi trả các khoản nợ vay.

Nếu doanh nghiệp thường xuyên thực hiện phát hành thêm cổ phiếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông, như pha loãng giá, gia tăng số lượng cổ phiếu lưu hành, pha loãng lợi nhuận trên mỗi cổ phần, và giảm giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu. Vì vậy, việc phát hành liên tục theo cấp số nhân sẽ để lại câu hỏi liệu doanh nghiệp có đủ khả năng bù đắp cho sự sụt giảm lợi nhuận trên mỗi cổ phần do việc phát hành gây ra? Đặc biệt nếu tỷ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp không vượt quá giá trị pha loãng của cổ phiếu thì người thiệt nhất chính là cổ đông.

https://babfx.com/4-kieu-doanh-nghiep-nha-dau-tu-nen-can-trong-truoc-khi-xuong-tien-mua-co-phieu-20220412150216835.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*