Chia sẻ với cổ đông về mảng mới là heo trong năm 2022, bầu Đức cho biết sắp tới HAGL cũng sẽ mở Công ty BAPI HAGL – chuyên phân phối heo BAPI của HAGL. Trước đó, thương hiệu heo ăn chuối BAPI đã được HAGL công bố ra thị trường từ tháng 3/2022 và xuất hiện trên áo đấu của cầu thủ HAGL.
“Tôi có một đối tác nói HAGL là thương hiệu lớn sao không làm sản phẩm gì cho thương hiệu này. Tôi đã suy nghĩ và bắt đầu với heo. Tôi tự tin khi ra Công ty BAPI HAGL sẽ sớm đạt doanh số trên 10.000 tỷ”, bầu Đức nói.
Ngoài ra, HAGL cũng đang xúc tiến làm nhà máy chế biến thịt heo từ xúc xích, chả giò…. Tức, sản lượng 1 triệu con heo mục tiêu sắp tới HAGL sẽ làm hết, tận dụng tất cả các sản phẩm nên Công ty xác định phải làm nhà máy. Đây là điểm mới và cũng là bài toán sống còn của HAGL. Bởi, thị trường heo là thị trường khổng lồ với 35 triệu con, và HAGL phấn đấu tới 2023 cũng chỉ là 1 triệu con thôi.
Song song, heo BAPI theo bầu Đức là độc quyền, không ai cạnh tranh được. Vì sao?, vì không ai có đất và chuối nhiều như HAGL để làm. Việt Nam hiện không còn ai có được 5.000ha chuối, chỉ có đâu ông Dương Thaco có đất có diện tích chuối lớn nhưng họ làm chuyện khác.
“Dòng heo ăn chuối của HAGL vừa có hương vị ngon hơn bình thường vừa sạch với 3 không: không đạm động vật – không thuốc kháng sinh – không thuốc tăng trọng. Thị trường thịt heo Việt Nam trị giá khoảng 10 tỷ USD và tiêu thụ 35 triệu con/năm, nên 1 triệu con heo của HAGL chả bỏ bèn gì. Với lợi thế cạnh tranh nổi bật cùng mức giá bằng với trung bình thị trường, không có lý do gì mà heo của HAGL lại không bán được. Ngay cả HNG của Thaco có nuôi heo ăn chuối như HAGL, thì thêm vài triệu con nữa vẫn không sao”, bầu Đức khẳng định.
Hiện, giá thành sản xuất 1kg thịt heo của HAGL vào khoảng 38.000 và giá sản xuất 1kg chuối trung bình tầm 6.000 đồng/kg. Còn đầu ra HAGL bán khoảng 10.500 đồng/kg chuối và dự tính bán 53.000 – 55.000 đồng/kg thịt heo.
Chuối loại thải từ ngành trồng trọt (khoảng 200.000 tấn/năm) là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi heo, giúp hạ giá thành sản phẩm.
Sau thời gian thử nghiệm, các chuyên gia của HAGL đã tìm ra công thức chế biến thức ăn cho heo với 40% thành phần là chuối, còn lại là bắp, đậu nành, vi chất, thảo mộc…
Cần nhấn mạnh, điểm sáng và mới mẻ của HAGL là sự sáng tạo trong việc vận dụng nguồn lực bổ trợ từ ngành chuối để tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho ngành chăn nuôi heo. Chuối loại thải từ ngành trồng trọt (khoảng 200.000 tấn/năm) là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi heo, giúp hạ giá thành sản phẩm. Do đó, không chỉ tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn để cho ra giá thành con heo cạnh tranh, mảng chuối của bầu Đức còn ước tính lãi thêm 150 triệu đồng/ha (trên số thải ra, so với mức lợi nhuận quân bình trước đây là 400 triệu đồng/ha).
Hơn nữa, sản phẩm “thịt heo ăn chuối” đáp ứng tiêu chí sản phẩm hữu cơ, được người tiêu dùng đánh giá cao và tiếp nhận nồng nhiệt. HAGL tự tin rằng chiến lược kinh doanh này phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại của xã hội, khi mà khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ và chất lượng sản phẩm.
“Để phát triển ngành nuôi trồng nhiều hơn nữa, chúng tôi vừa bổ nhiệm ông Trần Văn Giai – chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng cho heo, ngồi vào vị trí Thành viên HĐQT. Ngoài ra, chúng tôi chắc chắn sẽ không làm thức ăn gia súc như đang sử dụng để bán ra thị trường, vì như thế là đánh mất lợi thế cạnh tranh ‘độc nhất vô nhị’ của mình.
Trước đây, chúng tôi từng gửi tặng 1.000 cổ đông của mình thịt heo BAPI ăn thử, trong ĐHCĐ 2022, chúng tôi sẽ gửi thêm 400 phần cho 400 cổ đông nữa. Chúng tôi mong các cổ đông phản hồi về chất lượng của thịt heo BAPI, để HAGL có thể điều chỉnh công thức thức ăn khiến thịt ngon hơn.
Về rủi ro, làm gì thì cũng có thể gặp rủi ro. Hiện tại, trừ dịch tả châu Phi, tất cả các bệnh của heo đều đã có thuốc chích ngừa. Hơn nữa, chuồng trại của HAGL luôn được canh phòng nghiêm ngặt, các nhân sự của công ty có khi phải vào trong trại ở liền 4 tháng mới được về 1 lần. Như tôi là Chủ tịch, nhưng không phải muốn vào là sẽ được vào”, ông nói thêm.
Được biết, nuôi heo từ năm 2020 sau 1 năm mảng này đã đem lại doanh thu lợi nhuận đáng kể cho HAGL. Tính đến cuối năm 2021, HAGL đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái và mỗi con heo nái sinh ra khoảng 25 con heo thịt mỗi năm).
Sang năm 2022, HAGL sẽ xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại để nâng tổng số lên thành 16 cụm, với công suất hơn 1 triệu con heo thịt/năm. Lợi thế cạnh tranh của HAGL là có được quỹ đất rộng lớn xa khu dân cư, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, khoảng cách địa lý và điều kiện vận chuyển đến cảng biển và thị trường tiêu thụ thuận lợi. Sản phẩm chuối và thịt heo là hai loại thực phẩm cơ bản và thiết yếu với cuộc sống, chưa kể thị trường tiêu thụ rộng lớn, bầu Đức nhấn mạnh.
HAGL đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái và mỗi con heo nái sinh ra khoảng 25 con heo thịt mỗi năm).
Tương lai xa hơn, HAGL theo người cầm trịch còn muốn cùng một đối tác (chưa tiện nêu tên) xây dựng hệ sinh thái cho ngành thịt heo như Vissan. Cả hai sẽ cùng xây một lò mổ có công suất khoảng 3.000 con/ngày và đối tác đó sẽ hỗ trợ HAGL bán thịt heo qua 5.000 cửa hàng trên toàn quốc. Ngoài ra, cả hai còn cùng xây nhà máy chế biến thịt heo khô, chả giò, thịt nguội…để xuất khẩu.
https://babfx.com/bau-duc-thi-truong-heo-rat-khong-lo-va-1-trieu-con-heo-hagl-la-doc-quyen-co-chang-thaco-moi-canh-tranh-duoc-nhung-ho-lam-chuyen-khac-20220410102613425.chn
Tri Túc
Nhịp sống kinh tế
Để lại một phản hồi