Ca Covid-19 Thượng Hải tăng 10 ngày liên tiếp

Giới chức Thượng Hải, thủ phủ tài chính của Trung Quốc, ngày 11/4 thông báo thành phố ghi nhận thêm 26.087 ca Covid-19 trong 24 giờ qua, trong đó phần lớn là ca chưa xuất hiện triệu chứng. Số ca có triệu chứng giảm từ hơn 1.000 người mỗi ngày tuần trước xuống 914.

Ca nhiễm tại Thượng Hải tiếp tục tăng trong khi thành phố 25 triệu dân ban hành lệnh phong tỏa, đồng thời tổ chức 6 đợt xét nghiệm diện rộng. Thượng Hải ghi nhận 205.000 ca nhiễm từ ngày 1/3, trong đó 6.300 ca có triệu chứng nhẹ và không có ca tử vong. Hơn 11.000 người được ra khỏi khu cách ly sau khi âm tính với nCoV.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan ngày 10/4 kêu gọi “nỗ lực hơn nữa để tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả xét nghiệm”. “Những người có nguy cơ cao cần được phát hiện càng sớm càng tốt và chuyển đi cách ly”, bà Tôn cho biết.

Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về bệnh hô hấp, nhận định biện pháp chống dịch ở Thượng Hải chưa đầy đủ và thành phố không hiểu rõ về đặc điểm lây truyền của biến chủng Omicron.

Nhân viên y tế Trung Quốc chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại thành phố Thượng Hải ngày 6/4. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế Trung Quốc chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại thành phố Thượng Hải ngày 6/4. Ảnh: AFP.

Phó thị trưởng Thượng Hải Tôn Minh ngày 9/4 thừa nhận biện pháp chống dịch ở thành phố còn thiếu sót và cần được cải thiện, song khẳng định lực lượng tuyến đầu đã rất nỗ lực.

Bà Tôn cũng cho biết thành phố sẽ phân loại 16 quận thành ba khu vực khác nhau, cho phép dân chúng ở “vùng đề phòng” với nguy cơ thấp nhất nhất di chuyển và mua sắm. Để được phân loại vào “vùng đề phòng”, khu dân cư hoặc cơ sở sản xuất phải không ghi nhận ca nhiễm nào trong 14 ngày liên tiếp.

Trung Quốc 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.184 ca Covid-19 có triệu chứng, nâng tổng số lên 165.577 ca, cùng 26.411 ca không triệu chứng. Trung Quốc chưa ghi nhận thêm ca tử vong nào, tổng số là 4.638 ca.

Phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt là một phần trọng tâm của chiến lược “Không Covid” mà Trung Quốc theo đuổi, nhưng ngay cả khi áp dụng biện pháp cứng rắn, việc ngăn chặn Omicron lây lan ngày càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược này.

Chuyên gia Chung Nam Sơn nói Trung Quốc sẽ dần nới lỏng hạn chế theo chiến lược tiếp cận “Không Covid” linh hoạt, nhưng không thể bỏ hoàn toàn các hạn chế. Ông khẳng định vấn đề quan trọng trong chống dịch là “giảm thiểu sự lây lan và hạn chế số ca tử vong”.

Ông Chung cảnh báo sẽ có nhiều ca tử vong nếu Omicron bùng phát diện rộng. “Mở cửa hoàn toàn không áp dụng cho Trung Quốc vì sẽ làm tăng số người chết”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Nguyễn Tiến (Theo SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*