Cảnh sát Thụy Điển bắn cảnh cáo ngăn bạo loạn

Tính đến 17/4, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại thành phố Norrkoping, đông Thụy Điển, và thành phố Linkoping lân cận đã xảy ra lần thứ hai trong vòng 4 ngày. Những người này biểu tình để phản đối cuộc tuần hành của nhóm cực hữu bài Hồi giáo Stram Kurs do chính trị gia Rasmus Paludan dẫn đầu.

Cảnh sát hôm qua phải bắn súng cảnh cáo để giải tán đám đông, khiến ba người bị thương. 8 người bị bắt tại thành phố Norrkoping và 18 người bị bắt ở Linkoping.

Người biểu tình trong cuộc bạo loạn ở thành phố Norrkoping, Thụy Điển hôm 17/4. Ảnh: AFP.

Người biểu tình trong cuộc bạo loạn ở thành phố Norrkoping, Thụy Điển hôm 17/4. Ảnh: AFP.

Paludan, 40 tuổi, là luật sư và Youtuber người Đan Mạch và có quốc tịch Thụy Điển, thành lập đảng Stram Kurs từ năm 2017, theo đuổi chương trình nghị sự chống người nhập cư và bài đạo Hồi. Trang web của tổ chức này tự mô tả là “đảng phái chính trị yêu nước nhất tại Đan Mạch”. Thụy Điển và Đan Mạch là hai nước láng giềng ở Bắc Âu.

Paludan dự định tranh cử vào quốc hội Thụy Điển tháng 9 tới, nhưng chưa có đủ số chữ ký cần thiết để đảm bảo khả năng ứng cử. Ông này đến các khu phố đông người Hồi giáo ở Thụy Điển, kêu gọi đốt kinh Koran khi người Hồi giáo đang thực hiện tháng lễ Ramadan.

Các cuộc tuần hành của Stram Kurs đã dẫn đến những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trên khắp đất nước từ tuần trước. Hôm 14 và 15/4, khoảng 12 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ.

Tối 16/4, Paludan phát biểu trước vài chục người và đốt kinh Koran ở thành phố duyên hải Malmo, phía nam Thụy Điển. Một nhóm nhỏ phản đối đã ném đá về nhóm cực hữu và làm một số người bị thương, trong đó có Paludan. Cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán đám đông.

Sau chuỗi sự cố, Bộ Ngoại giao Iraq hôm qua cho biết đã triệu quan chức Thụy Điển tại Baghdad và cảnh báo sự việc có thể gây ra “hậu quả nghiêm trọng” đối với “quan hệ giữa Thụy Điển và người Hồi giáo nói chung, các quốc gia Hồi giáo và Arab cũng như cộng đồng Hồi giáo ở châu Âu”. Khoảng 95-98% dân số Iraq theo đạo Hồi.

Huyền Lê (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*