Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần FECON diễn ra sáng 28/4 |
Đại diện cho HĐQT báo cáo trước Đại hội, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết: Trong năm 2021, FECON đã tập trung phát triển các mảng kinh doanh chính và đẩy mạnh các công tác quản trị tập trung… Đồng thời từng bước thực hiện việc tái cấu trúc các công ty thành viên để tập trung nguồn lực và tăng cường năng lực cạnh tranh trong các phân khúc thị trường đã được lựa chọn.
Việc tái cơ cấu Công ty cổ phần Hạ tầng FECON trở thành Tổng công ty đầu tư FECON (FECON Invest) là một trong những quyết định mạnh mẽ để hiện thực hóa chiến lược này. Bên cạnh đó, hệ thống công cụ lập kế hoạch chiến lược và quản trị mục tiêu OGSM (Objective – Goal – Strategy – Measure) cũng đã được áp dụng tại Công ty mẹ từ sáu tháng cuối năm 2021 để tăng cường quản lý kế hoạch kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản trị, khắc phục được những hạn chế mà hệ thống BSC/KPIs đã triển khai trong những năm vừa qua.
Theo đánh giá của HĐQT FECON, năm 2021 vừa qua, dù nền kinh tế thế giới, trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên FECON vẫn duy trì được vị thế và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh nhưng các công trình do FECON thi công và đầu tư được đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ và an toàn, được các Chủ đầu tư đánh giá cao.
Năm 2021, FECON đã thực hiện thành công việc phát hành 32 triệu cổ phiếu cho hai nhà đầu tư là Quỹ đầu tư hạ tầng Red One và Công ty CP Raito Kogyo, góp phần tăng vốn điều lệ của FECON từ 1.254 tỷ đồng lên 1.574 tỷ đồng.
Hai nhà đầu tư trên được xem là hai mảnh ghép hoàn hảo cho FECON thực hiện thành công chiến lược 2020-2025. Trong khi Raito Kogyo là nhà đầu tư cùng ngành sở hữu các công nghệ hàng đầu Nhật Bản về nền móng, công trình ngầm và hạ tầng, thì Red One là mảnh ghép mạnh về tài chính sở hữu mạng lưới đối tác tài chính quốc tế hùng hậu.
Kết thúc năm 2021, vốn điều lệ của FECON đạt 1.574 tỷ đồng, Tổng tài sản đạt 7.496 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất ghi nhận trong năm 2021 lần lượt là 3.484 tỷ đồng và 71 tỷ đồng.
Theo ông Khoa, nguyên nhân chưa hoàn thành các chỉ tiêu tài chính so với kế hoạch phần lớn đến từ hai lý do khách quan là đại dịch Covid-19 và bão giá nguyên vật liệu xây dựng.
Ở mảng thi công, nhiều dự án chậm triển khai như Dự án Nhiệt điện Nam Định, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2… Đặc biệt là Dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Metro Line 3) hầu như không triển khai trong năm 2021, bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công còn chậm ảnh hưởng lớn đến các dự án hạ tầng. Công tác thu hồi công nợ cũng bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí tài chính và khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp.
Về các lý do chủ quan, ông Khoa cho biết, FECON đang trong giai đoạn chuyển đổi từ Nhà thầu chuyên môn sang Nhà thầu chính, hệ thống quản trị đang từng bước thích nghi với các mục tiêu kinh doanh mới, cần năng lực quản trị toàn diện hơn. Các dự án phát huy được năng lực cốt lõi thì vẫn mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên một vài dự án công ty đứng tổng thầu trong năm chưa đạt hiệu quả kỳ vọng, do chưa khai thác được tối ưu các nguồn lực cả về thiết bị và con người trải dài 12 tháng, lúc cao điểm thì không đủ nguồn lực, lúc thấp điểm thì dư thừa, ảnh hưởng đến chi phí thi công dự án.
Tuy gặp nhiều khó khăn, Doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2021 vẫn có sự tăng trưởng 10% so với năm 2020 với 3.484 tỷ đồng, hoàn thành 89% kế hoạch năm. Doanh thu công ty mẹ tăng trưởng 21% với 2.418 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của FECON |
Do chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và bão giá vật liệu xây dựng nên hiệu quả các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2021 chỉ đạt 13,5%, thấp hơn các năm trước.
Lý do chính của tổng lợi nhuận sau thuế cả năm không đạt kế hoạch năm bên cạnh tác động kép lên mảng thi công thì sự thiếu hụt lợi nhuận từ mảng Đầu tư cũng rất đáng kể, tất cả các kế hoạch thoái vốn dự án chưa thể hoàn thành để có thể đóng góp vào lợi nhuận chung của Tập đoàn.
Trong mảng đầu tư, năm 2021, mặc dù mảng đầu tư chưa hiện thực hóa được lợi nhuận để đóng góp vào kết quả sản xuất kinh doanh, nhưng cũng mang lại những thành quả tích cực như việc COD thành công đúng thời hạn dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng vào ngày 29/10/2022. Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 30 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5 ha trên đất liền, gồm 6 trụ turbine gió. Với việc đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON thay mặt HĐQT báo cáo trước Đại hội |
“Các dự án bất động sản tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Tháp cũng đã đạt được các bước tiến đáng kể để sẵn sàng bùng nổ trong năm 2022. Bên cạnh đó, Tổng công ty đầu tư FECON đã được hình thành trên cơ sở tái cấu trúc Công ty cổ phần hạ tầng FECON sẽ là bàn đạp vững chắc để triển khai các dự án đầu tư của FECON một cách chuyên nghiệp, bài bản và hiện thực hóa lợi nhuận theo chiến lược trung hạn tập đoàn đã đặt ra”, ông Khoa cho biết.
Theo dự kiến các dự án trên khi hoàn thành đầu tư sẽ mang về cho FECON nguồn doanh thu, lợi nhuận không nhỏ.
Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 30MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỉ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5 ha trên đất liền, gồm 6 trụ turbine gió. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm. |
Để lại một phản hồi