Góc nhìn TTCK 4-8/4: Tuần thử lửa, dòng tiền có tín hiệu hướng về bluechip

Đây là nhận định của ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn.

Tâm lý nhà đầu tư có đang mong manh trước nhiều thông tin liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn FLC, cũng như kỷ luật các lãnh đạo thuộc cơ quan quản lý, giám sát, vận hành thị trường, thưa ông?

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, những sự kiện như trên đang tôi luyện cũng như cho thấy sự trưởng thành của nhà đầu tư, đã bình tĩnh hơn và không có bán tháo hoảng loạn như nhiều sự kiện trong quá khứ.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận nhiều thông tin được cho là không mấy tích cực có thể ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư là việc khởi tố bắt tạm giam Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết về tội thao túng thị trường chứng khoán và việc kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm lưu ký… về trách nhiệm quản lý và giám sát thị trường chứng khoán.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, ngoài nhóm cổ phiếu có liên quan tới Tập đoàn FLC (FLC, ROS, AMD, HAI, KLF, ART) có mức giảm giá lớn (với mức giảm bình quân từ 25 – 28%) thì mức độ tác động tới thị trường chứng khoán của các thông tin trên là không lớn (VN-Index giằng co trong 4 phiên đầu tuần và tăng mạnh phiên cuối tuần), thậm chí chỉ số VN-Index còn tăng điểm mạnh phiên cuối tuần nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bluechip VN30 để vượt lên trên mốc kháng cự 1.500 điểm và kết tuần ở mức 1.516,44 điểm, tăng 17,94 điểm (+1,19%) so với mức đóng cửa cuối tuần trước.

Điều này cho thấy thị trường có tâm lý thận trọng với những thông tin mới và phản ứng tích cực với động thái mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhóm cổ phiếu liên quan tới FLC đã từ lâu được cho là nhóm có tính chất đầu cơ cao (biến động giá cổ phiếu nhiều khi tăng mạnh hoặc giảm mạnh mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp), về yếu tố cơ bản thì nhóm doanh nghiệp này có hiệu quả kinh doanh khá thấp, trong những năm gần đây ghi nhận thua lỗ nhiều do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến các mảng kinh doanh vận tải hàng không, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng gặp nhiều khó khăn.

Là người theo thị trường chứng khoán nhiều năm, cá nhân ông cho rằng, trải nghiệm chứng trường và bài học rút ra từ những sự kiện trên là gì?

Trên thị trường chứng khoán luôn tồn tại hai phương pháp là đầu tư giá trị trung dài hạn và đầu cơ hưởng chênh lệch giá ngắn hạn. Đầu tư giá trị trung dài hạn thường tập trung vào chất lượng lựa chọn cổ phiếu để nắm giữ trong thời gian dài để hưởng lợi khi giá cổ phiếu tăng lên theo sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi đầu cơ ngắn hạn chủ yếu giao dịch theo tin, theo nhóm với kỳ vọng cổ phiếu được đẩy giá cao mà không quá quan tâm tới yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.

Những nhà đầu tư mới tham gia thị trường thường lẫn lộn giữa 2 phương pháp trên khi mua cổ phiếu có tính chất đầu cơ cao, nhưng lại chọn sai thời điểm để nắm giữ hoặc có chủ ý đầu tư lâu dài song lại lựa chọn sai cổ phiếu (doanh nghiệp). Ngoài ra, sự tác động của các thông tin trên mạng xã hội và các nhóm giao dịch cổ phiếu đầu cơ cũng phần nào khiến nhà đầu tư rơi vào trạng thái nhiễu loạn thông tin trong điều kiện chưa có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, dẫn tới hành động sai lầm.

Để có danh mục có tính ổn định cao và hạn chế được những rủi ro lớn trong quá trình đầu tư hoặc đầu cơ trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư mới nên phân bổ tỷ trọng danh mục từ 60%-70% là cho mục đích đầu tư giá trị trung dài hạn, để thành công với phương pháp này thì cần tập trung vào việc lựa chọn cổ phiếu cơ bản tốt, có yếu tố tăng trưởng cao trong kết quả kinh doanh.

Chỉ phân bổ tối đa 30%-40% là cho mục đích đầu cơ ngắn hạn, để có hiệu quả và hạn chế được các rủi ro trong phương pháp này thì nhà đầu tư cần tập trung vào yếu tố biến động giá và thanh khoản của cổ phiếu để lựa chọn đúng thời điểm mua/bán phù hợp, đồng thời cần có kỷ luật giao dịch với các nguyên tắc giải ngân từng phần (thăm dò để xác định đúng xu hướng) và cắt lỗ khi sai (tối đa không quá 7-10%).

Sau một khoảng thời gian đủ dài tư 2-3 năm sẽ có sự so sánh hiệu quả của 2 phương pháp trên và qua đó có thể thực sự lựa chọn cho mình phương pháp hiệu quả nhất cho con đường đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Quay lại với trạng thái thị trường hiện nay có gì đáng chú ý, thưa ông?

Về biến động thị trường trong quý I/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận trạng thái sideway (đi ngang) trong biên độ hẹp với VN index dao động trong biên độ 1.430 – 1.530 điểm, trong điều kiện kém khả quan nhất thì VN-Index ghi nhận mức giảm khoảng gần 7% so với giá trị đóng cửa cuối năm 2021.

Thực tế này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khả quan hơn so với các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như Mỹ và EU, cũng trong quý I/2022, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức sụt giảm bình quân hơn 15%, đặc biệt chỉ số công nghệ của nước này còn giảm hơn 20% trong bối cảnh kinh tế Mỹ và thế giới đối mặt với nhiều áp lực: (1) Lạm phát tăng cao, (2) Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến, (3) Khủng hoảng chiến sự giữa Nga – Ukraine càng làm mọi thứ thêm phức tạp khi giá cả hàng hóa nguyên liệu trên thế giới tăng mạnh hơn càng gây áp lực lên lạm phát…

Cụ thể hơn, với diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I/2022 cho thấy trong khi nhóm bluechip gặp nhiều khó khăn khi thanh khoản chững lại và tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng thì cơ hội sinh lời lại đến từ phân lớp cổ phiếu vừa (midcap) và nhỏ (penny) tập trung ở những nhóm ngành có nhiều điều kiện thuận lợi cho kết quả kinh doanh như:

Nhóm ngành dầu khí, phân bón, hóa chất là những ngành hưởng lợi khi giá sản phẩm đầu ra tăng giá mạnh do tác động của sự kiện chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến giá cả hàng hóa, nguyên liêu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng tăng mạnh.

Nhóm ngành dệt may, thủy sản hưởng lợi khi sản lượng xuất khẩu tăng trưởng tốt khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu tăng cao và giá xuất khẩu cũng ở mức khá.

Nhóm cảng biển, logistics hưởng lợi khi giá cước vận tải tăng cao do đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu từ tác động tiêu cực của Covid-19 và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Nhóm ngành hàng không, du lịch, bán lẻ hưởng lợi khi covid-19 dần được kiểm soát và quá trình mở cửa nền kinh tế trở lại đã thực sự bắt đầu, giao thương quốc tế có thể sớm trở lại và được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn trong thời gian tới.

Nhóm xây dựng và vật liệu, cơ sở hạ tầng là nhóm được kỳ vọng hưởng lợi nhờ các chính sách đầu tư công sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ từ cuối quý I và đầu quý II/2022.

Các nhóm cổ phiếu nêu trên trong phân lớn cổ phiếu vừa và nhỏ đã có sự tăng trưởng khá về giá trong quý I/2022 để phản ánh đầy đủ những yếu tố hưởng lợi trong kinh doanh, nhiều cổ phiếu đã có mức định giá phù hợp và đang chững lại trong đà tăng, một số nhóm đang có tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn, vì vậy có thể biến độ tăng sẽ không còn lớn, để hiệu quả thì cần thực sự chọn lọc ở những nhóm trên.

Minh chứng là số điểm của VN-Index đã tiệm cận với VN30 vào cuối quý I/2022 trong khi thời điểm cuối năm 2021 chỉ số VN30 cao hơn Vnindex hơn 50 điểm.

Và cơ hội sắp tới sẽ ở nhóm ngành nào, thưa ông?

Nhìn về quý II/2022 và biến động dòng tiền cuối quý I/2022 thì có nhiều tín hiệu ban đầu cho thấy dòng tiền đang có sự dịch chuyển sang phân lớp cổ phiếu bluechip, khi chỉ số VN30 đã tăng mạnh hơn Vindex để tạo khoảng cách lớn hơn gần 24 điểm sau phiên 02/04/2022, và trong nhóm VN30 đã ghi nhận những cổ phiếu đầu tiên vượt đỉnh lịch sử là FPT, MWG, REE, PNJ…

Nhìn về định giá chung thì hiện tại thì nhóm VN30 đang có mức P/E khoảng 12 lần là mức khá hấp dẫn so với mức P/E bình quân toàn thị trường là hơn 18 lần.

Về nhóm ngành cổ phiếu tiềm năng trong phân lớp bluechip thì đang nổi lên nhóm ngành: (1) ngân hàng, (2) dịch vụ tài chính (đại diện là ngành chứng khoán, bảo hiểm), (3) tài nguyên cơ bản (đại diện là ngành thép, đá xây dựng), (3) bất động sản khu công nghiệp, (4) hàng công nghiệp và gia dụng… là những nhóm đang có mức định giá hấp dẫn, sẽ được hưởng lợi theo chu kỳ và được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan trong điều kiện nền kinh tế hồi phục tích cực sau covid-19 (tăng trưởng GDP quý I/2022 ghi nhận tăng trưởng 5,03% là những tín hiệu lạc quan cho kịch bản hồi phục tích cực hơn của kinh tế Việt Nam năm 2022).

Ngoài ra, thì tháng 4 – 5/2022 là thời điểm bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 và mùa đại hội cổ đông năm 2022, thường là thời điểm tích cực của phân lớp cổ phiếu bluechip đầu ngành vì đây là nhóm có kết quả kinh doanh khả quan, có kế hoạch chia cổ tức cao, thưởng cổ phiếu phiếu lớn, có kế hoạch tăng trưởng doanh thu lợi nhuận tích cực, có kế hoạch đầu tư mở rộng tiềm năng cho năm tài chính mới… và thường sẽ được công bố trong đại hội cổ đông hàng năm.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*