Hungary sẵn sàng mua khí đốt Nga bằng ruble

“Chúng tôi không có khó khăn gì khi mua khí đốt bằng đồng ruble. Nếu đó là những gì Nga yêu cầu, chúng tôi sẽ thanh toán bằng đồng ruble”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói trong cuộc họp báo hôm 6/4, sau khi điệm đàm với Tổng thống Nga Putin.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trước đó cũng nói rằng giới chức Liên minh châu Âu (EU) “không có vai trò gì” trong thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa nước này với Nga, vốn dựa trên hợp đồng song phương giữa các đơn vị của tập đoàn quốc doanh Hungary MVM và tập đoàn dầu khí Nga Gazprom.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Budapest hôm 6/4. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Budapest hôm 6/4. Ảnh: AFP.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho biết EU không bình luận về các tuyên bố từ giới chức các nước.

Thủ tướng Orban, 58 tuổi, vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ tư, trở thành một trong những lãnh đạo tại vị lâu nhất của châu Âu. Ông thường đưa ra quan điểm trung lập về tình hình Ukraine và từng từ chối cho số vũ khí phương Tây viện trợ cho Kiev đi qua lãnh thổ Hungary, dù nước này là thành viên của cả NATO lẫn EU.

Ông Orban được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU. Hungary cũng là nước EU đầu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga sản xuất, dù cơ quan quản lý châu Âu chưa phê duyệt vaccine này. Tổng thống Putin đã chúc mừng Thủ tướng Orban tái đắc cử, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Hungary.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, ông Orban kêu gọi ông Putin ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine. Ông đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa các lãnh đạo Pháp, Đức, Ukraine và Nga tại Budapest. Thủ tướng Hungary nói rằng ông Putin “phản hồi tích cực về ý tưởng này nhưng đặt ra điều kiện”. Orban không cho biết Tổng thống Nga nêu điều kiện gì.

Nga cuối tháng trước yêu cầu các quốc gia “thiếu thân thiện” thanh toán tiền mua khí đốt của nước này bằng đồng ruble. Các nước bị Nga coi là “thiếu thân thiện” gồm Mỹ, các nước thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.

Tổng thống Nga Putin sau đó đề xuất phương án thanh toán bằng euro và chuyển tiền cho ngân hàng thuộc tập đoàn Gazprom, khoản tiền sẽ được chuyển đổi thành ruble.

Tuy nhiên, phương án này chưa được các nước châu Âu đồng thuận. Ủy ban châu Âu hôm 1/4 nói rằng các công ty châu Âu ký hợp đồng khí đốt với Nga, trong đó quy định thanh toán bằng euro hoặc USD, không nên đáp ứng yêu cầu này của Moskva.

Sau ngày 1/4, khí đốt từ Nga vẫn tiếp tục chảy tới châu Âu. Điện Kremlin giải thích rằng quy định thanh toán bằng đồng ruble không áp dụng cho các khoản thanh toán khí đốt hiện nay, mà có thể được thực hiện vào nửa cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Điện Kremlin ngày 5/4 nói rằng việc chuyển đổi có thể được thực hiện dần dần.

Mỹ đầu tháng 3 quyết định cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga để phản ứng việc Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng EU từ chối áp đặt biện pháp tương tự do lo ngại ảnh hưởng kinh tế và sản xuất. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.

Giới chức Latvia hôm 3/4 thông báo ba nước vùng Baltic không còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, cho biết thị trường này đang sử dụng nguồn khí đốt được lưu trữ dưới lòng đất ở Latvia.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Ngọc Ánh (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*