Slovakia có thể mua khí đốt Nga bằng ruble

“Nếu có điều kiện thanh toán bằng ruble, chúng tôi sẽ làm như thế. Không thể để nguồn khí đốt bị cắt đứt”, Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik nói trên truyền hình quốc gia hôm qua.

Tuy nhiên, Sulik nói thêm Slovakia sẽ tiếp tục ủng hộ lập trường chung của Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề khí đốt với Nga. Slovakia cho biết công ty khí đốt nhà nước SPP đã trả hóa đơn khí đốt tháng 3 cho Nga bằng đồng euro theo quy định hợp đồng và sẽ còn 6 tuần để tìm giải pháp trước hạn thanh toán tiếp theo vào ngày 20/5.

Khí đốt từ Nga chiếm 85% lượng tiêu thụ của Slovakia, quốc gia thành viên EU. Bộ trưởng Sulik cho biết giới chức sẽ duy trì cách tiếp cận thực dụng trong bối cảnh Slovakia chỉ có hai tháng để giải quyết vấn đề mua khí đốt, thừa nhận phải mất nhiều năm để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng theo lời kêu gọi của EU.

Một đoạn của đường ống Nord Stream 2 ở vùng Leningrad, Nga, hồi tháng 7/2021. Ảnh: TASS.

Một đoạn của đường ống Nord Stream 2 ở vùng Leningrad, Nga, hồi tháng 7/2021. Ảnh: TASS.

Nga cuối tháng trước yêu cầu các quốc gia “thiếu thân thiện” thanh toán tiền mua khí đốt của nước này bằng đồng ruble. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31/3 nói rằng những hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng nếu các khoản thanh toán không được thực hiện.

Các nước bị Nga coi là “thiếu thân thiện” gồm Mỹ, các nước thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.

Tổng thống Putin cũng đề xuất phương án thanh toán bằng euro và chuyển tiền cho ngân hàng thuộc tập đoàn Gazprom của Nga, sau đó khoản tiền sẽ được chuyển đổi thành ruble.

Tuy nhiên, phương án này chưa được các nước châu Âu đồng thuận. Ủy ban châu Âu hôm 1/4 nói rằng các công ty châu Âu ký hợp đồng khí đốt với Nga, trong đó quy định thanh toán bằng euro hoặc USD, không nên đáp ứng yêu cầu này của Moskva.

Sau ngày 1/4, khí đốt từ Nga vẫn tiếp tục chảy tới châu Âu. Điện Kremlin giải thích rằng quy định thanh toán bằng đồng ruble không áp dụng cho các khoản thanh toán khí đốt hiện nay, mà có thể được thực hiện vào nửa cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Mỹ đầu tháng 3 quyết định cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, nhưng EU từ chối áp đặt biện pháp tương tự do lo ngại ảnh hưởng kinh tế và sản xuất. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.

Giới chức Latvia hôm 3/4 thông báo ba nước vùng Baltic không còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, cho biết thị trường này đang sử dụng nguồn khí đốt được lưu trữ dưới lòng đất ở Latvia.

Vũ Anh (Theo RT)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*