Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là yêu cầu chính đáng và tất yếu của doanh nghiệp cùng nền kinh tế |
Phát hành trái phiếu là yêu cầu chính đáng
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cho hay, thị trường vốn như là xương sống, là mạch máu của nền kinh tế.
“Bên cạnh vốn vay ngân hàng, thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh vô cùng quan trọng, hữu ích, phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn”, Chủ tịch REE khẳng định.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, doanh nghiệp muốn phát triển liên tục thì không thể thiếu sự hỗ trợ của thị trường vốn, vì vậy, bên cạnh xử lý các sai phạm trên thị trường vốn, cần có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy thị trường này phát triển mạnh hơn. Đương nhiên, muốn huy động vốn trên thị trường này, thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải nâng cao ý thức, trách nhiệm về tính minh bạch thông tin, cùng trách nhiệm trả nợ.
Chia sẻ với kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank cho rằng, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là yêu cầu chính đáng và tất yếu của doanh nghiệp cùng nền kinh tế. Đây cũng chính là thị trường tiềm năng và còn rất nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trong 5 năm qua, thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng trưởng gần 29%. Riêng năm 2021, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tăng 258% so với bình quân năm 2020. Khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá, sự phát triển bùng nổ của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường TPDN đã giúp giảm tải rất nhiều cho tín dụng ngân hàng, đa dạng hóa kênh huy động vốn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, quy mô vốn hóa thị trường TPDN của Việt Nam hiện mới tương đương 17,5% GDP, tức còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như tỷ lệ này ở Trung Quốc cao gấp 2 lần, ở Hàn Quốc gấp 4 lần so với Việt Nam.
Thanh lọc thị trường song vẫn phải mở lối thoát cho doanh nghiệp
Cùng với sự sôi động của thị trường vốn, những năm gần đây, một loạt khiếm khuyết của thị trường này cũng đã bộc lộ.
Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, trên thị trường cổ phiếu và chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng, làm giá, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh. Thị trường TPDN cũng xuất hiện nhiều rủi ro trước hành vi mua bán chui trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố…
Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, những hành vi sai phạm đã tác động đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoản, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Với trái phiếu doanh nghiệp, tình trạng doanh nghiệp phát hành tài sản đảm bảo thấp, thua lỗ, nhưng vẫn phát hành một khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, sử dụng vốn sau phát hành sai mục đích, lãi suất cao, khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán… “Tội phạm trên lĩnh vực tài chính tiền tệ được coi là tội phạm ẩn, diễn ra thời gian dài, khi bị phát hiện gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cũng gây khó khăn trong quá trình phát hiện điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng”, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cho biết.
Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ hiện nay là tiếp tục phát triển thị trường vốn một cách lành mạnh, an toàn. Việc xử lý sai phạm cũng nhằm mục đích trên. Mặc dù vậy, những động thái thanh lọc mạnh tay của các cơ quan quản lý trong thời gian qua đã gây tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. Nhiều doanh nghiệp lo lắng, việc siết chặt điều kiện phát hành trong thời gian tới sẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn trong khi nền kinh tế mới bắt đầu giai đoạn phục hồi sau thời gian dài chịu tác động của dịch bệnh.
TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư của Dragon Capital cho rằng, thị trường TPDN phát triển mạnh 5 năm vừa qua là tín hiệu đáng mừng, song một trong những hạn chế thường thấy của Việt Nam là sau khi quản lý quá lỏng, lại siết quá chặt. Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho thị trường trái phiếu.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Bộ Tài chính cần tìm cho được điểm trung hòa trong chính sách quản lý thị trường TPDN, không quản lý quá lỏng như thời gian qua, song cũng không nên quản quá chặt, chặn hết đường huy động vốn của doanh nghiệp. Theo đó, cần khuyến khích hơn nữa việc xếp hạng tín nhiệm, giảm thủ tục để hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành TPDN đại chúng, hình thành thị trường giao dịch tập trung đối với TPDN phát hành riêng lẻ, nâng chuẩn với nhà đầu tư chuyên nghiệp, đồng thời có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư… thay vì chỉ siết điều kiện phát hành.
Chính phủ khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định, lợi ích nhóm, trục lợi bất hợp pháp và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững…
Để lại một phản hồi