“Vấn đề khi chặn nguồn dầu xuất khẩu từ Nga là rất nhiều nước, đặc biệt là ở châu Âu, phụ thuộc vào nguồn dầu này. Chúng ta sẽ chứng kiến giá nhiên liệu tăng vọt nếu áp lệnh cấm hoàn toàn dầu của Nga”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trong phiên điều trần trước các nghị sĩ hôm 6/4.
Bộ trưởng Yellen giải thích rằng do nhu cầu về dầu luôn ổn định, nên nếu nguồn cung mặt hàng này chịu quá nhiều hạn chế, có thể gây ra “tác động rất lớn về giá cả”.
“Khi xây dựng các biện pháp trừng phạt, chúng tôi muốn tạo ra tổn thất tối đa cho Nga, nhưng cũng cẩn thận để không gây ra ảnh hưởng tiêu cực quá mức cho người Mỹ cũng như các đối tác của chúng ta”, bà nhấn mạnh.
Trong phiên điều trần, lãnh đạo các công ty dầu Mỹ cũng cam kết sẽ nhanh chóng cắt quan hệ với Nga và bảo vệ các khoản đầu tư của họ ở nước này.
Darren Woods, giám đốc điều hành tập đoàn Exxon, tái khẳng định công ty của ông đã lên kế hoạch kết thúc dự án cuối cùng ở Nga. Giám đốc điều hành Chevron cũng được yêu cầu cam kết dừng mọi hoạt động tại Nga, bao gồm cả việc cung cấp dầu nhờn và nhiều mặt hàng khác cho các công ty Nga.
Mỹ đầu tháng 3 quyết định cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine. Tuy nhiên, các quốc gia EU đã không ra quyết định tương tự, do lo ngại ảnh hưởng quá lớn tới nền kinh tế và đời sống của người dân. Tuy nhiên, EU cam kết sẽ giảm dần phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Mỹ sau đó cùng EU ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu, cam kết đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng (LNG) cho thị trường EU vào năm 2022 và tiếp tục tăng trong tương lai.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga được coi là một trong những yếu tố khiến giá xăng ở Mỹ tăng vọt. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải ra lệnh cho xuất một triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ chiến lược trong 180 ngày liên tục, nhằm bình ổn thị trường xăng dầu.
Kho dự trữ chiến lược của Mỹ đang chứa 568,3 triệu thùng dầu, trong khi người Mỹ sử dụng khoảng 20 triệu thùng mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa số dầu dự trữ chiến lược của Mỹ chỉ đủ đáp ứng nhu cầu nội địa trong chưa đầy một tháng nếu nguồn cung bị gián đoạn.
Ngọc Ánh (Theo CNN)
Để lại một phản hồi