“Triển khai các khí tài chiến lược là yếu tố quan trọng nhằm củng cố năng lực răn đe, vấn đề này đương nhiên được đề cập trong cuộc thảo luận”, Park Jin, trưởng đoàn cố vấn của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, nói với các phóng viên sau cuộc gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại thủ đô Washington hôm qua.
Khí tài chiến lược là các loại vũ khí có thể gây ra thiệt hại to lớn cho các trung tâm dân cư hoặc công nghiệp của đối phương, gồm tàu sân bay, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và oanh tạc cơ có thể mang vũ khí hạt nhân.
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh ông Yoon muốn Mỹ mở rộng hiện diện quân sự tại Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa từ các chương trình vũ khí của Triều Tiên. Cố vấn Park nói rằng hai bên cũng xem xét những biện pháp cho phép Washington tăng cường khả năng răn đe hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên.
Quan chức Nhà Trắng cho hay giới chức hai nước đã thảo luận về cam kết phòng thủ của Mỹ, nhưng không nêu chi tiết nội dung đối thoại.
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, 61 tuổi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 9/3 với 48,6% phiếu bầu. Ông sẽ nhậm chức vào ngày 10/5 và bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm.
Mỹ từng điều oanh tạc cơ tới Hàn Quốc vào năm 2017 để gây sức ép lên Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân và phóng ICBM. Các máy bay đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản. Một tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân Mỹ cũng được điều đến khu vực vào tháng 10/2017 để tập trận với hải quân Hàn Quốc. Washington sau đó đã hạn chế điều khí tài chiến lược đến bán đảo khi nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên được thúc đẩy vào năm 2018.
Sự hiện diện của oanh tạc cơ, tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân Mỹ tại Hàn Quốc là một phần trong cam kết tranh cử của ông Yoon. Theo đó, ông cam kết sẽ “phản ứng cứng rắn” với các mối đe dọa từ Triều Tiên, hủy bỏ thỏa thuận quân sự giữa Seoul với Bình Nhưỡng, đồng thời khôi phục các cuộc tập trận chung với Mỹ từng bị cắt giảm hoặc thu nhỏ quy mô.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang suốt nhiều tuần qua. Triều Tiên đã thử nhiều tên lửa các loại kể từ đầu năm, trong đó có vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 hồi tháng trước. Mỹ nhận định Triều Tiên có thể thử hạt nhân trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành 15/4. Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm hạt nhân từ năm 2006, vụ thử gần đây nhất được thực hiện năm 2017.
Quân đội Hàn Quốc hôm 24/3 diễn tập bắn đạn thật với nhiều hệ thống tên lửa chiến thuật nhằm phát thông điệp cảnh báo đến Triều Tiên. Không quân Hàn Quốc sau đó tổ chức diễn tập “Voi đi bộ”, huy động 28 tiêm kích F-35A dàn đội hình trên đường băng ở khoảng cách an toàn tối thiểu, nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và thể hiện sức mạnh không quân.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi