“Để Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền là sai lầm. Chúng tôi tin rằng đã tới lúc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu loại Nga khỏi cơ quan này”, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield phát biểu hôm nay.
Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Đại hội đồng LHQ đã thông qua hai nghị quyết chỉ trích Nga với ít nhất 140 phiếu thuận. Cần hai phần ba số phiếu thuận của 193 thành viên Đại hội đồng LHQ để loại một nước khỏi Hội đồng Nhân quyền.
“Tôi xin gửi thông điệp tới 140 quốc gia đã lên tiếng, rằng hình ảnh ở Bucha và sự tàn phá khắp Ukraine đòi hỏi chúng ta cần nói đi đôi với làm”, đại sứ Thomas-Greenfield nói trong chuyến thăm Romania để khảo sát cách quốc gia này xử lý dòng người tị nạn Ukraine.
Phó thị trưởng Bucha, thị trấn phía tây bắc thủ đô Kiev, cho hay 50 trong số 300 thi thể tìm thấy sau khi các lực lượng Nga rút quân khỏi thị trấn là nạn nhân của một “vụ thảm sát”.
Nga bác bỏ cáo buộc của Ukraine và Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nga Alexander Bastrykin hôm nay chỉ đạo phân tích thông tin về cáo buộc giết hại dân thường ở Bucha, cho rằng Ukraine dàn dựng để “làm mất uy tín quân nhân Nga”.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định các hình ảnh được công bố là “tư liệu dàn dựng” và bác bỏ mọi cáo buộc. Ông đề xuất mở cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho biết Nga từng đưa ra đề nghị tương tự nhưng bị chặn.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm “phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine”. Lực lượng Nga tiến công và giành quyền kiểm soát nhiều địa điểm quanh thủ đô Kiev trong những tuần đầu chiến sự, trong đó có thị trấn Bucha. Nga tuần trước thông báo giảm hoạt động ở khu vực Kiev và bắc Ukraine để dồn lực vào miền đông và nam. Quân đội Ukraine ngày 2/4 tuyên bố tái kiểm soát toàn bộ khu vực Kiev sau khi Nga rút khỏi một số thị trấn quan trọng gần thủ đô.
Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán để đi tới thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến sự. Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết phía Ukraine “đã trở nên thực tế hơn trong cách tiếp cận với vấn đề trung lập hóa và phi hạt nhân hóa” nước này. Tuy nhiên, ông Medinsky khẳng định lập trường của Nga về tình trạng bán đảo Crimea và vùng Donbass không thay đổi.
Hồng Hạnh (Theo Reuters/CNN)
Để lại một phản hồi