LHQ đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền

Trong số 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tham gia bỏ phiếu tại trụ sở ở New York, Mỹ hôm nay, 93 nước bỏ phiếu ủng hộ, 24 nước bỏ phiếu chống và 58 nước bỏ phiếu trắng. Cần 2/3 số phiếu thuận để đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền, không bao gồm các nước bỏ phiếu trắng.

Rất hiếm trường hợp bị đình chỉ khỏi hội đồng gồm 47 thành viên có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Libya đã bị đình chỉ năm 2011 vì cáo buộc bạo lực chống lại người biểu tình.

Trong nghị quyết, Đại hội đồng cho biết sẽ “đình chỉ quyền thành viên trong Hội đồng Nhân quyền của một thành viên” bị cáo buộc vi phạm “nghiêm trọng và có hệ thống”.

Màn hình hiển thị kết quả bỏ phiếu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ hôm nay. Ảnh: AFP.

Màn hình hiển thị kết quả bỏ phiếu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ hôm nay. Ảnh: AFP.

Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng Twitter bày tỏ “biết ơn” các quốc gia thành viên LHQ đã “chọn phe đúng đắn của lịch sử”.

Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Đại hội đồng LHQ đã thông qua hai nghị quyết chỉ trích Nga với ít nhất 140 phiếu thuận. Trước khi cuộc bỏ phiếu mới nhất diễn ra, phó đại sứ Nga tại LHQ Gennady Kuzmin kêu gọi tất cả quốc gia thành viên bỏ phiếu chống, nói rằng nghị quyết sẽ tạo ra “tiền lệ nguy hiểm”.

Theo ông Kuzmin, cuộc bỏ phiếu “là nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì vị thế thống trị và toàn quyền kiểm soát để tiếp tục nỗ lực thực hiện chủ nghĩa thực dân nhân quyền trong quan hệ quốc tế”.

“Nga duy trì nhất quán quan điểm bảo vệ nguyên tắc hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và vị thế bình đẳng như một trong những nền tảng chính của cấu trúc nhân quyền”, ông nói, thêm rằng Nga “bác bỏ các cáo buộc không trung thực chống lại chúng tôi dựa trên các sự kiện dàn dựng và các thông tin giả mạo được lan truyền”.

Nga đang ở năm thứ hai của nhiệm kỳ ba năm trong Hội đồng Nhân quyền, cơ quan vốn không thể đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng gửi đi thông điệp chính trị quan trọng và có thể cho phép mở các cuộc điều tra. Nga là một trong những thành viên có tiếng nói nhất trong hội đồng, nhưng lệnh đình chỉ sẽ ngăn đại diện của Moskva phát biểu và bỏ phiếu, dù quan chức ngoại giao nước này vẫn có thể tham dự các cuộc tranh luận.

Sau hai lần bỏ phiếu trắng các nghị quyết liên quan Nga tại Đại hội đồng LHQ gần đây, Trung Quốc hôm nay bỏ phiếu chống. Belarus, Iran và Syria nằm trong số những nước có quyết định tương tự.

“Một động thái vội vàng như vậy tại Đại hội đồng, buộc các nước phải chọn bên, sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên, gia tăng đối đầu giữa các bên liên quan, chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa”, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc lực lượng Nga giết hại hàng trăm dân thường ở Bucha, thị trấn phía tây bắc thủ đô Kiev. Nga bác bỏ cáo buộc, cho rằng Ukraine dàn dựng để “làm mất uy tín quân nhân Nga”.

Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm “phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine”. Lực lượng Nga tiến công và giành quyền kiểm soát nhiều địa điểm quanh thủ đô Kiev trong những tuần đầu chiến sự, trong đó có thị trấn Bucha.

Nga tuần trước thông báo giảm hoạt động ở khu vực Kiev và bắc Ukraine để dồn lực vào miền đông và nam. Quân đội Ukraine ngày 2/4 tuyên bố tái kiểm soát toàn bộ khu vực Kiev sau khi Nga rút khỏi một số thị trấn quan trọng gần thủ đô.

Sau gần một tháng rưỡi giao tranh, chiến sự ở Ukraine đã khiến ít nhất 1.611 dân thường thiệt mạng và 2.227 người bị thương, theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR). Cơ quan này cảnh báo con số thương vong thực tế có thể cao hơn.

Ít nhất 11,3 triệu người đã phải sơ tán, trong đó có hơn 4,3 triệu người tị nạn đã rời Ukraine đến các nước láng giềng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR).

Huyền Lê (Theo AFP, CNN, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*