Người Thái tranh cãi về quyết định đổi tên Bangkok

Mỗi sáng sớm, bà Jintana Rapsomruay, 60 tuổi, lại nặn những viên bột thành hình quả trứng để làm món Khanom Khai Hong, chuẩn bị cho quầy hàng của mình trong chợ tại quận Bangkok Noi, Bangkok, thủ đô Thái Lan.

Món ăn nhẹ này xuất hiện từ thời Rama I, vị vua đầu tiên trong Vương triều Chakri, triều đại tiếp tục trị vì Thái Lan 240 năm sau đó. Người Thái truyền tai nhau rằng vua Rama I thích ăn trứng kỳ đà hoa, nên vào thời điểm không có trứng kỳ đà, một vương phi đã làm món bánh nhân đậu ngọt dâng lên, khiến nhà vua rất hài lòng.

Món Khanom Khai Hong ngày nay vẫn phổ biến ở Thái Lan, song Jintana cho biết bà cũng như hàng triệu người Thái khác đang phải vật lộn giữa đại dịch Covid-19, khi thu nhập giảm một nửa.

Đó là lý do bà luôn cảm thấy khó hiểu khi mọi sự chú ý của người Thái giờ đây tập trung vào cuộc tranh luận về việc nên gọi tên thủ đô của họ là “Bangkok” hay “Krung Thep Maha Nakhon”.

Tên gọi chính thức của thủ đô Thái Lan có 168 chữ cái, đến mức được ghi vào Kỷ lục Guinness Thế giới là tên thủ đô dài nhất: Krung Thep Maha Nakhon Amon Rattanakosin Mahinthara Ayuthaya Mahadilok Phop Noppharat Ratchathani Burirom Udomratchaniwet Mahasathan Amon Piman Awatan Sathit Sakkathattiya Wits.

Du khách chụp ảnh tại chùa Phật Ngọc ở Bangkok tháng 11/2021. Ảnh: Bangkok Post.

Du khách chụp ảnh tại chùa Phật Ngọc ở Bangkok tháng 11/2021. Ảnh: Bangkok Post.

Tên này có nghĩa là Thành phố của những vị thần, Thành phố tráng lệ của Cửu Bảo (9 viên ngọc quý), của đền đài tráng lệ và cung điện nguy nga. Nó được lấy từ tiếng Pali và tiếng Phạn, vốn được sử dụng trong các văn bản Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Tranh cãi về tên gọi của thủ đô Thái Lan dấy lên từ giữa tháng 2, khi Văn phòng Hiệp hội Hoàng gia Thái Lan (ORST) ra một quyết định nhấn mạnh lập trường rằng thủ đô nước này nên được gọi là Krung Thep Maha Nakhon, thay vì tên gọi Bangkok vốn đã rất phổ biến. Chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã ra một sắc lệnh ủng hộ quyết định của ORST về việc đổi cách gọi thủ đô.

Thông báo này đã gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt trong dư luận Thái Lan. Một số nhóm dân chúng coi chuyện đổi tên thủ đô là sắc lệnh “độc đoán” từ các tổ chức bảo hoàng, cho rằng đây là sự ràng buộc truyền thống, gây phiền phức, khi đa số du khách quốc tế đã quen với tên gọi Bangkok.

“Sử dụng Krung Thep thay cho Bangkok là một ý tưởng điên rồ”, Charnvit Kasetsiri, một nhà sử học Thái Lan, cựu hiệu trưởng Đại học Thammasat ở Bangkok, cho biết. “Tầng lớp thượng lưu Thái Lan thường thích đổi các địa danh thông thường ở Thái Lan thành những tên gọi khác thường, pha trộn giữa tiếng Pali và tiếng Phạn”.

Trong bối cảnh rất nhiều người Thái đang phải gánh chịu hậu quả kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, một số người tự hỏi liệu chính sách đổi tên thủ đô có thực sự là một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với chính phủ hay không.

“Nếu tôi là họ, trước tiên tôi sẽ chăm lo cho người dân và khắc phục khó khăn kinh tế, thay vì tập trung đổi tên thủ đô vì lý do chính trị”, bà Jintana cho biết. “Có nhiều việc quan trọng hơn cần phải làm”.

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng đây là động thái bình thường, bởi hầu hết người Thái vốn đã quen gọi tên thủ đô là “Krung Thep”, hoặc bằng tên viết tắt “Kor Tor Mor”.

“Cái tên Krung Thep ổn. Tôi thấy không có vấn đề gì với cái tên này”, một độc giả bình luận dưới bài đăng của trang National News Bureau of Thailand.

Vichian Bunthawi, 88 tuổi, một cận vệ hoàng gia đã nghỉ hưu, cho rằng thủ đô Thái Lan nên được biết đến trên toàn thế giới với cái tên Krung Thep Maha Nakhon. “Krung Thep Maha Nakhon là tên của thủ đô, đó là nơi nhà vua sống”, ông Vichian khẳng định.

Dù là Krung Thep Maha Nakhon hay Bangkok, thủ đô Thái Lan đã thay đổi mạnh mẽ qua nhiều thập kỷ. Giới chức thành phố đã san lấp nhiều con kênh từng là huyết mạch giao thông của thành phố. Cánh đồng lúa đã nhường chỗ cho các trung tâm mua sắm và chung cư.

Ông Chana Ratsami hàng ngày vẫn chơi đàn xylophone truyền thống trong một con hẻm phía sau ngôi chùa Phật giáo ở quận Bangkok Noi, thủ đô Thái Lan. Gia đình vợ ông đã sống ở khu vực này qua nhiều thế hệ, nhưng ông cho biết cư dân tại đây hiện chủ yếu là người tới từ các vùng khác.

“Họ không biết lịch sử nơi này, ngạc nhiên khi tôi mô tả con đường tắc nghẽn ở cuối ngõ từng là một con kênh với những chiếc thuyền đầy hoa và trái cây”, ông Chana cho biết. “Tôi nhớ thành phố cổ, bất kể nó được gọi với cái tên nào”.

Đức Trung (Theo Independent)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*