Con trai đầu của người phụ nữ ra đời tại bệnh viện Tề Lỗ thuộc Đại học Sơn Đông ở Tề Nam, miền đông Trung Quốc ngày 22/3, khi cô mang thai được 25 tuần 6 ngày. Cậu bé thứ hai chào đời 4 ngày sau.
Ma Yuyan, bác sĩ bệnh viện, cho biết hai bé đang nằm trong lồng ấp khi họ cố trì hoãn thời gian sinh hai thai nhi còn lại vì trẻ sinh non có tỷ lệ biến chứng cao. “Hai bé đầu sinh quá non. Nếu cả 4 bé sinh cùng lúc, các cháu sẽ đối mặt nhiều biến chứng và có nguy cơ tử vong”, nữ bác sĩ nói.
Người bố họ Chu cho hay “các con tôi vẫn nằm lồng ấp. Tôi vẫn chưa được gặp con”. Anh thường xuyên mát xa chân cho vợ nửa tiếng mỗi ngày vì chân cô phù nề do mang thai. “Vợ tôi là người vất vả nhất. Tôi rất biết ơn cô ấy”.
Chu cho hay vợ anh 22 tuổi, ban đầu được chẩn đoán mang thai ba vì thai thứ tư bị che khuất trong quá trình kiểm tra sức khỏe. Khi họ phát hiện cô mang thai tư thì đã quá muộn để giảm số lượng bào thai.
Hai người sống ở vùng nông thôn thuộc thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, thu nhập mỗi tháng 5.000 tệ (786 USD) nhờ công việc của Chu tại một công ty giao vận. Chi phí nuôi lồng kính một bé mỗi ngày là 10.000 tệ (1.573 USD), đặt gánh nặng tài chính lên gia đình.
Bác sĩ Ma cho biết người phụ nữ tới khám cổ tử cung khi mang thai 22 tuần. Cô đã phải làm thủ thuật khẩn cấp để gia cố cổ tử cung trước khi sinh con đầu lòng ba tuần sau. Bé nặng 700 g. Bác sĩ tiếp tục cấp cứu nhưng 4 ngày sau, thai phụ tiếp tục sinh non bé thứ hai, nặng 800 g.
“Chúng tôi không khuyến nghị phụ nữ mang đa thai vì dễ sinh non, vỡ ối sớm, tăng huyết áp và tiểu đường”, Ma nói. “Chúng tôi khuyên các cặp vợ chồng cân nhắc giảm số lượng bào thai. Nói chung, mang song thai tương đối an toàn”.
Sinh con ngắt quãng rất hiếm ở Trung Quốc và thế giới. Năm 2017, một phụ nữ ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, đã sinh con trai đầu lòng sớm hơn 6 ngày so với hai em gái.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)
Để lại một phản hồi