Những yếu tố có thể giúp Ukraine cầm chân lực lượng Nga

Trong phiên điều trần ngày 7/4 tại Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhận định quân đội Ukraine đã thành công trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch, nhưng cảnh báo xung đột vẫn sẽ kéo dài và hồi kết là vấn đề rất khó dự báo.

Sébastien Roblin, nhà báo chuyên viết về các vấn đề quân sự và an ninh quốc tế cho Forbes, NBC News và National Interest, cho rằng trong một tháng rưỡi giao tranh, Ukraine đã tận dụng nhiều yếu tố thuận lợi để cầm chân lực lượng Nga, khiến Moskva phải từ bỏ mục tiêu tấn công thủ đô Kiev và dồn sức cho mặt trận phía đông.

Lính Ukraine vác tên lửa NLAW tại thủ đô Kiev hồi đầu tháng 3. Ảnh: AP.

Lính Ukraine vác tên lửa chống tăng NLAW tại thủ đô Kiev hồi đầu tháng 3. Ảnh: AP.

Yếu tố thứ nhất được Roblin chỉ ra là tinh thần kháng cự và kinh nghiệm chiến đấu của quân đội Ukraine trước một đối thủ mạnh hơn rất nhiều lần.

Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự với lực lượng khoảng 150.000 quân cùng lợi thế áp đảo về không quân, tăng thiết giáp và tên lửa tầm xa trên cả ba hướng tấn công, các đơn vị quân đội Ukraine đã không hoảng sợ và tan rã.

Tình báo Mỹ từng không tin rằng quân đội quân đội Ukraine có thể ngăn cản được đà tiến của lực lượng Nga quá một tuần, khiến họ đề nghị đưa Tổng thống Volodymyr Zelensky đi sơ tán. Tuy nhiên, ông Zelensky đã thẳng thừng từ chối và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, mạng xã hội để động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ và người dân. Đây được coi là động lực quan trọng giúp củng cố khả năng kháng cự của Ukraine, theo Roblin.

Sau nhiều năm giao tranh với lực lượng ly khai ở miền đông, quân đội chính phủ Ukraine còn tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến đấu và phát huy tối đa hình thức tác chiến phi đối xứng.

Họ không tìm cách ngăn chặn sức mạnh vượt trội của Nga ở biên giới, mà tận dụng lãnh thổ rộng lớn để kéo giãn đội hình đối phương, sau đó chủ động tiến hành các đợt phản công nhanh, phục kích đội hình tăng thiết giáp của đối phương, quấy rối tuyến hậu cần, khiến đoàn xe quân sự dài 64 km của Nga bị dồn ứ ở ngoại ô Kiev suốt nhiều tuần.

Kiev cũng từ bỏ các khu vực trống trải không thể phòng thủ, nhằm dồn lực bảo vệ các đô thị đông dân có tầm quan trọng chiến lược. Dù chịu sức ép rất lớn, họ vẫn có thể bám trụ và kháng cự suốt nhiều tuần ở những thành phố bị vây hãm như Chernihiv hay Mariupol.

Bộ binh Ukraine không tập trung thành đội hình lớn, mà chia nhỏ thành các phân đội để hạn chế bị bao vây chế áp, sau đó tiến hành các đợt tấn công đánh nhanh rút nhanh vào đội hình đối phương.

Tuy nhiên, Roblin cũng chỉ ra rằng chiến thuật này khó có thể thành công nếu quân đội Ukraine không được củng cố năng lực nhờ hàng loạt vũ khí hiện đại được phương Tây viện trợ.

Khoảng 20 quốc gia, hầu hết là thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU), đã rót nhiều vũ khí, chủ yếu là tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM), cho Ukraine từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước này hồi cuối tháng 2.

Trong chiến dịch này, tình báo phương Tây nhận định Moskva đã huy động 75% đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) trong biên chế, chủ yếu là các đội hình cơ giới sở hữu hỏa lực mạnh để nhanh chóng đè bẹp khả năng kháng cự của đối phương.

Tuy nhiên, BTG rất dễ tổn thương trước ATGM hiện đại của phương Tây, vốn có độ chính xác và uy lực rất cao trước xe tăng, thiết giáp. Các tên lửa Javelin, NLAW của Mỹ và Anh được coi là “sát thủ diệt tăng” nguy hiểm nhất thế giới, đủ sức đánh bại nhiều loại xe tăng hiện đại do Nga và các cường quốc khác sản xuất.

Trước ưu thế vượt trội của tên lửa tầm xa Nga, Ukraine còn tìm cách phân tán máy bay đến các căn cứ dã chiến để tránh bị xóa sổ trong đòn đánh phủ đầu. Điều này giúp không quân Ukraine duy trì được khả năng tập kích các đơn vị bộ binh Nga, cũng như thực hiện chiến thuật dẫn dụ phi cơ đối phương vào tầm hỏa lực phòng không.

Kiev cũng hưởng lợi từ quá trình đầu tư vào máy bay không người lái (UAV), nhất là dòng Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Kích thước và tiết diện phản xạ radar nhỏ khiến chúng khó bị phòng không đối phương phát hiện, trong khi mỗi phi cơ mang được nhiều tên lửa đối đất hạng nhẹ, cho phép tập kích các mục tiêu trọng yếu của Nga như xe bệ phóng tên lửa phòng không, phương tiện hậu cần kỹ thuật.

UAV đóng vai trò không nhỏ trong giám sát tình hình chiến trường, chỉ điểm mục tiêu và hiệu chỉnh đường đạn cho pháo binh. Điều này cho thấy quân đội Ukraine đã kết hợp những di sản kế thừa từ Liên Xô như pháo binh và tăng thiết giáp với các lợi thế của phương Tây như năng lực tình báo và trinh sát.

Cục diện chiến trường Ukraine sau một tháng giao tranh. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Cục diện chiến trường Ukraine sau một tháng giao tranh. Bấm vào hình để xem chi tiết.

“NATO có thể rút ra nhiều bài học từ những diễn biến trên chiến trường Ukraine. Tình hình chiến sự cho thấy một nước thua kém nhiều mặt vẫn có thể cầm chân đối phương có sức mạnh vượt trội như thế nào”, Roblin nhấn mạnh.

Duy Sơn (Theo NBC News)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*