Thách thức mang tên “lạm phát” với chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi Bộ Lao động Mỹ ngày 12/4 công bố báo cáo cho thấy Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong năm qua, tính tới cuối tháng 3. Đây là mức lạm phát cao nhất của Mỹ từ tháng 12/1981 tới nay.
Lạm phát được coi là lý do hàng đầu khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden thấp kỷ lục hồi cuối tháng 3. Đây cũng là mối đe dọa hàng đầu với triển vọng tiếp tục kiểm soát lưỡng viện quốc hội của đảng Dân chủ, khi cuộc bầu cử giữa kỳ chỉ còn 5 tháng nữa sẽ diễn ra.
Giá tiêu dùng tăng đã phủ bóng nền kinh tế Mỹ trong nhiều tháng, từ trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2. Giá điện ở Mỹ tăng 32% trong năm qua, còn giá lương thực tăng khoảng 8,8% và cũng là mức tăng mạnh nhất từ tháng 5/1981.
Trong tháng 3, giá tiêu dùng Mỹ tăng chủ yếu do giá xăng và lương thực, khi chiến sự ở Ukraine diễn ra căng thẳng và phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Riêng trong tháng 3, giá xăng tại Mỹ tăng 18%, cao hơn 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước sức ép chính trị và làn sóng chỉ trích trong dư luận về giá tiêu dùng tăng vọt, chính quyền Biden gần đây thường “chĩa mũi dùi” về phía Moskva.
Phát biểu ngày 12/4 ở Iowa, ông Biden tái khẳng định “chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine làm tăng giá xăng và thực phẩm khắp thế giới”.
Nhà Trắng thời gian qua cũng đưa ra những thông điệp tương tự, cho rằng chiến dịch quân sự và lá bài năng lượng của Tổng thống Putin đã làm xáo trộn thị trường toàn cầu, “đổ thêm dầu vào lửa” tình trạng lạm phát ở Mỹ.
Đây có thể là một phần chiến thuật của ông Biden nhằm giảm rủi ro chính trị và bảo vệ thế đa số của đảng Dân chủ tại quốc hội, đặc biệt khi phe Cộng hòa không ngừng công kích chính sách kinh tế của Tổng thống. Một số thành viên đảng Cộng hòa thậm chí còn gọi tình hình hiện nay là “Bidenflation” (Lạm phát của Biden).
Theo Peter St. Onge, chuyên gia về chính sách kinh tế tại Quỹ Di sản, cách Tổng thống Mỹ cùng đảng Dân chủ biến Nga thành “dê tế thần” giữa bão chỉ trích về lạm phát vẫn có cơ hội thành công, một phần vì lập luận của Nhà Trắng được đưa ra dựa trên tác động thực tế của khủng hoảng Ukraine với thị trường toàn cầu.
Theo khảo sát do ABC News/Ipsos thực hiện và công bố cuối tuần qua, hơn 71% người tham gia cho rằng Tổng thống Putin là nguyên nhân khiến giá xăng tăng cao. Khoảng 68% người Mỹ được hỏi đổ lỗi cho các công ty dầu mỏ, còn 51% đánh giá đây là trách nhiệm của Tổng thống Biden.
Trước khi chiến sự Ukraine bùng phát, giá xăng ở Mỹ đã có xu hướng giảm nhờ nguồn cung dần bắt kịp với nhu cầu thị trường sau các đợt phong tỏa ngăn đại dịch Covid-19, theo Mark Zandi, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của hãng tư vấn Moody’s Analytics.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (USEIA) ước tính giá xăng trung bình vào ngày 27/12/2021 là 3,28 USD/gallon (khoảng 0,86 USD/lít). Zandi cho rằng nếu Nga không mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá xăng ở Mỹ có thể giảm tiếp xuống mốc 3 USD/gallon (0,79 USD/lít) và nền kinh tế Mỹ sẽ ổn định hơn.
Sau khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, giá xăng đến giữa tháng 3 đã nhảy vọt lên mức kỷ lục 4,32 USD/gallon, sau đó giảm xuống 4,09 USD nhờ thị trường tự điều tiết cộng với can thiệp từ chính phủ Mỹ.
“Người Mỹ đang phải tốn nhiều tiền hơn ở trạm xăng vì quyết định của ông Putin. Không có lý do nào khác”, Zandi nói.
Chính quyền Biden cũng đã huy động nhiều công cụ “giải cứu” người Mỹ khỏi gánh nặng tăng giá. Cuối tháng trước, ông ra lệnh giải phóng 1 triệu thùng dầu/ngày từ kho Dự trữ Xăng dầu Chiến lược (SPR) liên tục trong vòng 6 tháng. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) dự kiến ngừng khẩn cấp lệnh cấm bán xăng pha ethanol trong mùa hè này, giúp giảm giá xăng khoảng 0,1 USD/gallon (khoảng 0,026 USD/lít) hoặc nhiều hơn.
“Tôi đang làm mọi cách trong phạm vi quyền hạn của mình, thông qua sắc lệnh hành pháp, để kéo giá cả xuống và ứng phó chiến thuật đẩy giá của ông Putin”, Tổng thống Mỹ ngày 12/4 tuyên bố. Ông khẳng định túi tiền mọi gia đình Mỹ và mong muốn “đổ đầy bình xăng” của họ không thể phụ thuộc vào chiến dịch quân sự của lãnh đạo một nước cách Mỹ “nửa vòng thế giới”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Nhà Trắng không thể áp dụng mãi chiến thuật đổ lỗi cho Nga nếu lạm phát tiếp diễn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân và có thể tác động đến cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11.
Khảo sát gần đây của CBS News/YouGov cho thấy cử tri Mỹ xem nền kinh tế và lạm phát là những vấn đề cần được ưu tiên giải quyết, trên cả khủng hoảng Ukraine. Gần 2/3 người trả lời khảo sát cho rằng ông Biden đáng lẽ phải hành động quyết liệt hơn để giảm giá xăng dầu.
Mức tín nhiệm dành của Tổng thống Biden tăng nhẹ vào tháng 2, khi ông thuyết phục NATO củng cố năng lực răn đe Nga ở Đông Âu ngay sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, thành tựu đối ngoại này không giúp cải thiện tỷ lệ ủng hộ của ông Biden.
“Tôi cho rằng đối sách của Mỹ trong khủng hoảng Ukraine không đủ sức thay đổi cách nhìn của người dân về Tổng thống Biden. Nỗi lo sát sườn của người Mỹ vẫn là những vấn đề trong nước”, Kyle Kondik, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Chính trị học thuộc Đại học Virginia, nói.
Lạm phát cao được cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ở mọi nhóm chính trị và kinh tế, trong đó lao động thu nhập thấp chịu thiệt thòi lớn nhất, Doug Heye, chiến lược gia cho đảng Cộng hòa, nhấn mạnh.
Không chỉ người tiêu dùng Mỹ lo lắng về tình trạng lạm phát cao kỷ lục. Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia cho Doanh nghiệp Độc lập (NFIB), khoảng 31% chủ doanh nghiệp nhỏ tại nước này nhận định lạm phát là vấn đề quan trọng nhất trong thời điểm này.
Với mong muốn giành lại thế đa số tại ít nhất một trong hai viện quốc hội, phe Cộng hòa đang thúc đẩy thông điệp cho rằng giá cả leo thang là lỗi của Tổng thống Biden. Các nghị sĩ và chính trị gia đảng Cộng hòa nhấn mạnh giá xăng và lạm phát ở Mỹ đã liên tục tăng từ khi ông Biden nhậm chức đến nay.
“Tổng thống đang thao túng suy nghĩ của người dân Mỹ. Dường như ông ấy cho rằng nếu nhắc đi nhắc lại đủ nhiều, mọi người sẽ tin giá xăng tăng là lỗi của ông Putin”, thượng nghị sĩ Cộng hòa Joni Ernst hồi tháng 3 chỉ trích ông Biden.
Theo Doug Heye, dù ông Biden và các cố vấn Nhà Trắng có đạt được thành tựu đối ngoại lớn đến mức nào trong nỗ lực ứng phó với ông Putin, tình trạng lạm phát tăng liên tục trong suốt một năm qua khiến thông điệp của Tổng thống Mỹ trở nên kém thuyết phục hơn với cử tri.
Chiến lược gia này cho rằng giới lãnh đạo đảng Cộng hòa ngày càng coi lạm phát là “yếu huyệt” của phe Dân chủ và sẽ tiếp tục xoáy vào đó để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Họ chỉ cần thêm một ghế ở Thượng viện để giành lại thế đa số, trong khi các cuộc đua vào Hạ viện đang diễn ra rất gay cấn.
Kondick, chuyên gia chính trị tại Đại học Virginia, cho rằng đây sẽ là thách thức không nhỏ với Tổng thống Biden và đảng Dân chủ, khi những lời đổ lỗi cho Nga không còn phát huy tác dụng nếu lạm phát tiếp tục tăng.
“Người dân theo dõi lạm phát mỗi ngày. Đó là vấn đề mà bất kỳ ai ở Mỹ cũng phải đối mặt”, Kondick nói.
Trung Nhân (Theo Boston Globe, CNN)
- Vai trò của kho dự trữ dầu chiến lược Mỹ
- Châu Âu chạy đua thoát phụ thuộc khí đốt Nga
- Dọa cắt khí đốt, Nga dùng chiến thuật ‘khuấy bão trong tách trà’
- Tác động từ cuộc đối đầu khí đốt Nga – châu Âu
- Xả kho dầu, ông Biden khó xoay chuyển cục diện năng lượng Mỹ
Để lại một phản hồi