“Tôi cho rằng tình hình ở Mariupol là thảm kịch, là địa ngục. Tôi biết không phải hàng chục, mà là hàng nghìn người thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, đã thiệt mạng ở đó, cùng hàng nghìn người bị thương”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói hôm 6/4.
“Lý do chúng tôi không thể đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Mariupol là vì Nga sợ thế giới sẽ biết được chuyện đang diễn ra ở đó. Họ không thể giấu giếm mọi cái chết, chôn tất cả người Ukraine đã chết và bị thương. Con số lớn như vậy, hàng nghìn người, không thể giấu được”, ông giải thích và nhắc lại cáo buộc lực lượng Nga thảm sát người dân tại thị trấn Bucha ở ngoại ô Kiev.
Khi được hỏi về các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, ông khẳng định “đàm phán vẫn phải tiếp tục” và thừa nhận gặp khó trong đối thoại với Moskva.
Giới chức Nga chưa bình luận về các phát biểu của Tổng thống Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó bác bỏ cáo buộc “thảm sát dân thường tại Bucha” mà Kiev đưa ra. Họ tuyên bố các lực lượng Nga rời Bucha ngày 30/3 nhưng “bằng chứng tội ác” chỉ xuất hiện sau đó 4 ngày, khi an ninh Ukraine tiến vào thị trấn. Thị trưởng Bucha ngày 31/3 cũng xác nhận không có binh sĩ Nga trong khu vực. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc Kiev “ngụy tạo bằng chứng” ở Bucha.
Khoảng 120.000 người vẫn ở lại Mariupol, thành phố cảng miền nam bị Nga bao vây suốt nhiều tuần qua. Nhiều nỗ lực di tản người dân Mariupol đã thất bại, dù một số người mạo hiểm rời thành phố. Thị trưởng Mariupol hồi đầu tuần cho biết 90% cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy do xung đột.
Một đoàn xe của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã tới Zaporizhzhi hôm 6/4 sau khi tiếp cận bất thành Mariupol. “Hàng nghìn người vẫn mắc kẹt trong thành phố. Họ đang cần gấp một hành lang an toàn và đưa hàng viện trợ vào”, ICRC cho hay, từ chối trả lời liệu số hàng viện trợ mà họ mang theo có thể tới được Mariupol hay không.
Sau gần một tháng rưỡi giao tranh, chiến sự ở Ukraine đã khiến ít nhất 1.480 dân thường thiệt mạng và 2.195 người bị thương, theo tổng thư ký các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình của Liên Hợp Quốc Rosemary DiCarlo. Tuy nhiên, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cảnh báo con số thương vong thực tế có thể cao hơn.
Ít nhất 11,3 triệu người đã phải sơ tán, trong đó hơn 4,3 triệu người rời Ukraine đến các nước láng giềng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Để lại một phản hồi