“Một chính quyền địa phương của Cộng hòa Nhân dân Donetsk sẽ được thành lập tại thành phố Mariupol”, TASS dẫn sắc lệnh được công bố trên trang web của lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Denis Pushilin hôm 31/3 cho hay.
Sắc lệnh, có hiệu lực từ 31/3, chỉ thị người đứng đầu chính quyền thành phố Mariupol đảm bảo việc xây dựng và phê duyệt quy định liên quan quản lý, cơ cấu và nhân sự của thành phố, thành lập các cơ quan hành chính cấp quận ở Mariupol, bao gồm bổ nhiệm những người đứng đầu. Các bước này cần được thực hiện dưới sự phối hợp với chính quyền DPR.
Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Mariupol bị lực lượng Nga bao vây từ đầu tháng 3 và chính quyền Ukraine đang chạy đua để tổ chức sơ tán hơn 100.000 người mắc kẹt trong thành phố. Theo giới chức Ukraine, khoảng 90% các tòa nhà dân cư trong thành phố bị hư hại hoặc phá hủy, nguồn cung cấp điện và thông tin liên lạc bị cắt.
Bộ Quốc phòng Nga hôm qua công bố lệnh ngừng bắn và sẽ mở hành lang nhân đạo trong hôm nay để sơ tán dân thường. Chính phủ Ukraine sau đó thông báo điều 45 xe buýt đến thành phố này để sơ tán dân.
Mariupol, với vị trí chiến lược trên bờ biển Azov, án ngữ hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea với khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Nếu kiểm soát được Mariupol, lực lượng Nga sẽ nối thông được hành lang chiến lược và phong tỏa hoàn toàn cửa ngõ tiếp cận biển Azov của Ukraine.
Ông Pushilin hôm 30/3 cho biết có thể cân nhắc khả năng sáp nhập Nga khi họ kiểm soát toàn bộ khu vực Donestsk, bao gồm thành phố Mariupol, ở đông Ukraine. Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng Leonid Pasechnik trước đó cũng nói rằng khu vực này có thể sớm tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng sáp nhập Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko khẳng định những cuộc trưng cầu dân ý như vậy không hợp lệ và không có giá trị pháp lý.
Thượng nghị sĩ Nga Andrey Klishas hồi đầu tuần cho biết cả DPR và LPR đều có quyền tìm cách gia nhập Nga nếu động thái này không đi ngược với hiến pháp của họ. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Nga về Cộng đồng các quốc gia độc lập, Hội nhập Á – Âu và Quan hệ Nhân dân Leonid Kalashnikov đánh giá “giờ chưa phải lúc thích hợp” để vùng ly khai Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý.
Hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, gọi chung là vùng Donbass, đã tách khỏi kiểm soát của chính phủ Ukraine vào năm 2014 và tự tuyên bố là “cộng hòa nhân dân” độc lập, dù không được công nhận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này. Vài ngày sau, Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, giải thích nước này phải hành động sau khi hai vùng ly khai Ukraine xin sự trợ giúp.
Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu quân đội Nga Sergei Rudskoy hôm 25/3 cho biết lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã kiểm soát 93% diện tích tỉnh Lugansk và 54% tỉnh Donetsk.
Huyền Lê (Theo TASS, CNN)
Để lại một phản hồi