Phần Lan, Thụy Điển sớm tìm cách gia nhập NATO

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu tại buổi họp báo tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu tại buổi họp báo ở Helsinki, Phần Lan. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Phần Lan, bà Sanna Marin hôm 13/4 cho biết, nước này sẽ quyết định xem có tham gia Liên minh quân sự NATO do Hoa Kỳ dẫn dắt hay không “trong vòng vài tuần tới”.

Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga. Các nhà lập pháp nước này dự kiến tranh luận về ưu và nhược điểm của việc tham gia NATO sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh (ngày 17/4).

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung ở Stockholm cùng với người đồng cấp Thụy Điển, Thủ tướng Marin nói: “Tôi nghĩ rằng, suy nghĩ của mọi người ở Phần Lan, cũng như ở Thụy Điển, đã thay đổi và [được] định hình rất đáng kể do các hành động của Nga”. “Điều đó rất rõ ràng và nó khiến Phần Lan cần tiến hành một quá trình thảo luận về các lựa chọn an ninh của chính chúng tôi”, Thủ tướng Marin nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tái khẳng định quan điểm rằng, “không có lý do gì” phải trì hoãn xem xét liệu việc có phù hợp với Thụy Điển khi đề nghị gia nhập NATO hay không.

“Tôi nghĩ như tôi đã nói rất nhiều lần, đây là thời điểm rất quan trọng trong lịch sử. Đó là thời điểm trước và sau ngày 24/2. Bối cảnh an ninh đã hoàn toàn thay đổi”, Thủ tướng Andersson nói về việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

“Chúng tôi phải phân tích tình hình để xem điều gì là tốt nhất cho an ninh của Thụy Điển, cho người dân Thụy Điển trong tình hình mới này. Và bạn không nên vội vàng, bạn nên thực hiện nó một cách rất nghiêm túc”, Thủ tướng Andersson nói thêm.

Bà Andersson cho biết, các nhà lập pháp ở Thụy Điển – quốc gia không có chung biên giới với Nga và đã không tích cực tham chiến trong hơn 200 năm qua – sẽ thảo luận về triển vọng trở thành thành viên NATO trong những tuần tới.

Thủ tướng Andersson cam kết sẽ giúp Phần Lan cập nhật, nắm được quan điểm của Thụy Điển, đồng thời cho biết mỗi quốc gia sẽ tự ra quyết định của riêng mình. “Rõ ràng là chúng ta phải thảo luận về các lựa chọn khác nhau và không có lựa chọn nào là không có rủi ro”, bà Andersson nói thêm.

Những khẳng định trên của Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người đồng cấp Thụy Điển là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy hai quốc gia Bắc Âu này có thể sẽ nhanh chóng tìm đường gia nhập NATO, đặt dấu chấm hết cho lập trường trung lập truyền thống của họ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần cho biết Phần Lan và Thụy Điển sẽ tự quyết định con đường của họ. Ông cũng cho biết “cánh cửa vẫn mở” để liên minh này chào đón các thành viên mới.

Từ lâu, Nga đã cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ sự mở rộng nào của NATO trong tương lai, đồng thời cáo buộc liên minh này là “một công cụ hướng tới đối đầu”.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự kéo dài gần 7 tuần mà Nga đang triển khai ở Ukraine đã dẫn đến sự xuất hiện thêm quân đội ở phía Đông của NATO và công chúng cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh này.

“Sự khác biệt giữa trở thành đối tác và thành viên là rất rõ ràng và sẽ vẫn luôn như vậy”, Thủ tướng Phần Lan nói. “Không có cách nào khác để có được sự đảm bảo về an ninh ngoài khả năng răn đe và phòng thủ chung của NATO như được đảm bảo trong Điều 5 của NATO”, bà Marin nói thêm.

Tham chiếu vào Điều 5 của NATO cho thấy đây là nguyên tắc phòng thủ tập thể. Nghĩa là, một cuộc tấn công chống lại một thành viên NATO được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các đồng minh.

Điều 5 được liên minh xác định như một “nguyên tắc độc nhất và lâu dài để gắn kết các thành viên với nhau, cam kết bảo vệ lẫn nhau và thiết lập một tinh thần đoàn kết”.

Thủ tướng Phần Lan cho biết, do Nga là nước láng giềng gần kề nên điều tối quan trọng đối với các nhà lập pháp Phần Lan là phải thảo luận cách tốt nhất để đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng tàn khốc ở Ukraine là điều không bao giờ xảy ra ở Phần Lan.

“NATO là một tổ chức thực hiện các quyết định quan trọng liên quan đến an ninh của chúng tôi. Nó là một phần quan trọng của cấu trúc chính trị và an ninh của châu Âu. Trong nội dung thảo luận, chúng tôi cần đánh giá khả năng trở thành thành viên NATO sẽ đáp ứng nhu cầu an ninh của chúng tôi ra sao”, bà Marin cho biết.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*