Samsung đầu tư thêm 920 triệu USD để mở rộng hoạt động của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics tại Thái Nguyên. |
Từ sự hồi sinh của Compal
Xuất hiện tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022, tổ chức vào cuối tuần trước, ông K.C Chen, Phó tổng giám đốc cấp cao Công ty TNHH Compal Việt Nam (Đài Loan) vui vẻ chia sẻ về hoạt động của nhà máy chuyên sản xuất máy tính xách tay 500 triệu USD tại Vĩnh Phúc. “Chúng tôi hiện là nhà sản xuất cho Dell, Google, Amazon… Các hoạt động sản xuất của nhà máy vẫn đang ổn định, dự kiến đến cuối quý II, sẽ thu hút được 15.000 lao động”, ông K.C Chen cho biết.
Bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2019, đến nay, Compal Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Dù ở thời điểm hiện tại, số vốn giải ngân trên tổng số 500 triệu USD vốn đăng ký không lớn, song đó cũng là những dấu hiệu cho thấy sự “hồi sinh” của dự án Compal từng có một thời gian dài nằm “đắp chiếu”.
Ngoài dự án trên, Compal – thông qua một công ty con cũng đã đầu tư thêm dự án Arcadyan Technology, vốn đầu tư 50 triệu USD, tại Vĩnh Phúc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Compal có lẽ vẫn đang nỗ lực để thực hiện kế hoạch được đưa ra từ 3 năm trước, đó là mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng kim ngạch xuất khẩu lên 1,5-2 tỷ USD/năm.
Với việc Compal sản xuất các sản phẩm của Dell, Google, Amazon… để xuất khẩu, có thể thấy rõ, Việt Nam đang thực sự trở thành trung tâm sản xuất của thế giới, ít nhất là trong lĩnh vực điện tử. Ngoài các tên tuổi lớn, có nhà máy riêng để sản xuất sản phẩm của mình, như Samsung, Intel, LG…, thì ngày càng nhiều nhà sản xuất – chuyên gia công cho các thương hiệu điện tử đình đám của thế giới – có mặt tại Việt Nam.
Foxconn, Luxshare, Winston, Pegatron, Goertek… là những ví dụ điển hình. Đây được coi là những “quán quân tàng hình”, bởi đằng sau các khoản đầu tư, ít là 300 triệu USD như Winston, hay nhiều là hàng tỷ USD như Foxconn, là Apple, Sony, HP, IBM, Tencent, Dell…, những “đại gia” của làng công nghệ thế giới.
Sự xuất hiện của những tên tuổi trên đã đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất đồ điện tử, thiết bị di động, với kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện, đồ điện tử, máy tính và linh kiện chỉ trong quý đầu năm nay lên tới trên 27,3 tỷ USD. Năm ngoái, chỉ riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã đạt 57,54 tỷ USD.
Chính vì những con số đó mà cách đây ít tháng, Hãng tin Sputnik của Nga đã đưa ra nhận định rằng, Việt Nam “đang trên đà trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu mới”. Không chỉ đang “trên đà”, mà con đường này đang được hiện thực hóa.
Thông tin được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, ngay 3 tháng đầu năm nay, không ít nhà đầu tư lớn đã đầu tư nhà máy để mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh tại Việt Nam. Có lẽ ông Hoàng đang muốn nhắc đến các dự án quy mô lớn mới được cấp chứng nhận đầu tư từ đầu năm tới nay. Đó là các dự án 1,32 tỷ USD của LEGO tại Bình Dương, 920 triệu USD của Samsung Electro-mechanics tại Thái Nguyên, hay dự án Goertek 306 triệu tại Bắc Ninh…
Đến cơ hội hưởng lợi từ biến động của dòng vốn quốc tế
“Nhiều doanh nghiệp của chúng tôi muốn bám rễ tại Việt Nam”, ông Giản Chí Minh, Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam đã nói như vậy và cho rằng, Việt Nam chính là một mắt xích quan trọng trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Nam Á. Và đó là lý do mà ông Minh cho rằng, sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp Đài Loan sang Việt Nam đầu tư.
“Đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam đang tăng mạnh trong thời gian gần đây và sẽ tiếp tục gia tăng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử”, ông Giản Chí Minh nói.
Không chỉ là quan điểm từ Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam, mà Cục Đầu tư nước ngoài cũng có cái nhìn lạc quan về xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam của dòng vốn đầu tư nước ngoài. “Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài dự báo có khả năng tăng trong thời gian tới, với chủ đạo là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và EU”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.
Thậm chí, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam còn có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư châu Âu do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, trong 2 năm qua, nhiều tập đoàn công nghệ, điện tử lớn của Đài Loan đã xây dựng nhà máy tại châu Âu như Ba Lan, Hungaria, Czech… Các quốc gia này đều có đường biên giới chung với Ukraine, do đó, đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi Nga là thị trường lớn xuất khẩu của các nhà máy này. Vì lẽ đó, khả năng sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam theo hướng dịch chuyển đơn hàng từ châu Âu về sản xuất tại Việt Nam (đặc biệt là các đơn hàng trong lĩnh vực điện tử, công nghệ…), vì tại ASEAN, chỉ có duy nhất Việt Nam có FTA với EU (Singapore có FTA nhưng không có nền sản xuất hàng hóa).
“Rủi ro trong hoạt động đầu tư sẽ tăng lên khi nguồn vốn quốc tế có khả năng suy giảm trong bối cảnh căng thẳng địa – chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, với tình hình chính trị – xã hội ổn định, triển vọng phục hồi tăng trưởng cao, môi trường đầu tư và kinh doanh liên tục được cải thiện, hội nhập quốc tế của Việt Nam sâu rộng, dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều khả năng được hưởng lợi từ biến động của dòng vốn đầu tư quốc tế và có khả năng sẽ tăng mạnh”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi báo cáo Chính phủ mới đây, đã cho biết như vậy.
Chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng có cái nhìn tương tự. Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, trước tác động của Covid-19 và biến động địa – chính trị toàn cầu, dòng đầu tư toàn cầu có giảm, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự báo vẫn phát triển mạnh.
Hơn nữa, vốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn đang tăng mạnh. Quý I/2022, có trên 5,3 tỷ USD vốn đầu tư vào lĩnh vực này, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, riêng dự án của Lego đã đóng góp tới gần 25% trong số này. Và đây là dự án thứ 6 trên toàn cầu và nhà máy thứ 2 tại khu vực châu Á của Lego. Điều đó càng chứng tỏ Việt Nam đang ngày càng được nhiều nhà sản xuất toàn cầu ưu tiên lựa chọn.
Để lại một phản hồi