Một cửa hàng Startbucks. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đài CNBC dẫn hồ sơ kiến nghị lên một tòa án liên bang hôm 22/4 cho hay, người đứng đầu Văn phòng Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia Mỹ (NLRB) tại thành phố Phoenix đang tìm cách thúc đẩy một lệnh cấm từ phía tòa án nhằm buộc Starbucks phải phục hồi vị trí cho 3 nhân viên được cho là đã bị chuỗi cửa hàng cà phê này sa thải trái luật, bị buộc thôi việc hoặc nghỉ không lương.
Động thái này đánh dấu diễn biến mới nhất trong cuộc chiến pháp lý kéo dài và tốn kém giữa liên minh công đoàn và chuỗi cà phê Starbucks.
Kể từ tháng 8/2020 đến nay, đã có hơn 200 cửa hàng Starbucks nộp hồ sơ thành lập công đoàn cơ sở trực thuộc Worker United, một đơn vị liên kết của Liên đoàn Nhân viên Dịch vụ Quốc tế (SEIU) – một tổ chức đại diện cho gần 1,9 triệu công nhân trong hơn 100 ngành nghề ở Mỹ và Canada. Đến nay, 24 cửa hàng Starbucks đã bỏ phiếu để thành lập tổ chức công đoàn trong khi 2 cửa hàng khác đã bỏ phiếu chống.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bên đã leo thang khi mỗi bên cáo buộc bên kia vi phạm pháp luật.
Workers United đã nộp hàng chục đơn khiếu nại lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia Mỹ với cáo buộc Starbucks đã trả đũa bất hợp pháp, quấy rối và sa thải những người tổ chức thành lập công đoàn tại các cửa hàng cà phê của họ trên khắp Mỹ. Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia Mỹ cũng đã đưa ra các phán xét chống lại Starbucks.
Về phần mình, Starbucks trong tuần này đã nộp 2 đơn khiếu nại lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia Mỹ và cáo buộc tổ chức công đoàn mà thành lập bởi các nhân viên tại cửa hàng của họ đã vi phạm luật lao động liên bang.
Theo đài CNBC, đơn kiến nghị tòa án liên bang hôm 22/4 cho rằng Starbucks đã trả đũa 3 nhân viên sau khi biết họ đã tham gia vào hoạt động ủng hộ công đoàn. “Cần có biện pháp trừng phạt ngay lập tức để đảm bảo rằng chủ sử dụng lao động (Starbucks – BTV) không trục lợi trên toàn quốc từ hành vi bất hợp pháp của mình”, ông Cornele Overstreet, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia Mỹ (NLRB) tại thành phố Phoenix nhấn mạnh.
Theo chương trình truyền hình PBS NewsHour, tại Mỹ Starbucks có khoảng 4.000 điểm bán hàng ở các cửa hàng tạp hóa, sân bay, sòng bạc và các địa điểm khác đã thành lập tổ chức công đoàn. Các điểm bán hàng này được cấp phép bởi Starbucks nhưng do các công ty riêng biệt sở hữu và vận hành.
Tại thành phố Victoria, Canada, các nhân viên tại một cửa hàng Starbucks đã bỏ phiếu thành lập công đoàn vào tháng 8/2020, nhưng Starbucks và United Steelworkers – tổ chức công đoàn tư nhân lớn nhất ở Canada và Bắc Mỹ – đã mất gần 1 năm mới đạt được thỏa thuận thương lượng tập thể. Thỏa thuận này được người lao động chấp thuận vào tháng 7/2021.
Để lại một phản hồi