Các tình nguyện viên của một ngân hàng thực phẩm ở bang California (Mỹ) đang bốc xếp các thùng đồ ăn quyên góp. Ảnh: AFP |
“Đúng thế”, bà Dana Peterson, Phó chủ tịch điều hành Tổ chức nghiên cứu doanh nghiệp The Conference Board nói như vậy, vì chiến sự trở thành chủ đề trò chuyện chính trong bữa tối và là nguyên nhân khiến thức ăn trên bàn trở nên đắt đỏ.
Các lệnh trừng phạt, lệnh cấm nhập khẩu, phá hủy cơ sở hạ tầng, cuộc khủng hoảng người tị nạn, và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột Nga – Ukraine đang khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt và đẩy thế giới đứng trước nguy cơ thiếu hụt lương thực.
Tháng trước, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước G7 cho biết họ “vẫn quyết tâm làm những gì cần thiết để ngăn chặn và ứng phó với một cuộc khủng hoảng lương thực”. Nhưng lo sợ tình trạng thiếu lương thực, nhiều quốc gia đang co cụm cho thị trường nội địa và điều này có thể khiến hàng triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng.
Điển hình, Ai Cập đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì, đậu lăng và đậu nành trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về dự trữ lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập. Ở Đông Nam Á, Indonesia – nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới – đã siết chặt xuất khẩu mặt hàng này.
Các Bộ trưởng Nông nghiệp của G7 cho rằng: “Bất kỳ đợt tăng giá lương thực và sự biến động trên thị trường quốc tế có thể đe dọa an ninh lương thực và dinh dưỡng ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất đang sống trong môi trường an ninh lương thực thấp”.
Theo bà Dana Peterson, điều đáng lo ngại hiện nay là giá lương thực tăng cao trong khi tồn kho lại giảm. Điều này đồng nghĩa với việc tình trạng mất an ninh lương thực ở Mỹ và trên thế giới ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, chuyên gia này tin rằng chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp có thể xoa dịu tình hình bằng những hành động cụ thể.
Tìm các nguồn cung khác
Chiến sự Ukraine làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất, xuất khẩu ngũ cốc sang các nước dễ bị tổn thương. Nó không chỉ khiến hoạt động canh tác nông nghiệp ở Ukraine trở nên khó khăn hơn mà các lệnh trừng phạt đang làm gián đoạn hoạt động vận chuyển nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng đầu vào quan trọng của ngành nông nghiệp, điển hình như phân bón.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, Nga và Ukraine đóng góp tổng cộng 6% tổng số ngũ cốc được trồng trên toàn cầu, nhưng năng lực xuất khẩu của hai quốc gia này chiếm tới 16% thị phần ngũ cốc toàn cầu, gồm lúa mì, ngô, yến mạch, và lúa mạch. Những loại ngũ cốc này có mặt trong mọi thứ đồ ăn, từ ngũ cốc ăn sáng đến bánh mì, mì ống, đến siro ngô, và thậm chí tạo độ ngọt cho đồ uống.
Chưa kể, ngũ cốc nhập khẩu từ Nga và Ukraine cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất thức ăn gia súc của các nước; cho nên khi nguồn cung ngũ cốc bị thiếu hụt và giá xuất khẩu tăng lên, thì giá các mặt hàng thịt ắt tăng theo.
Ukraine thường đáp ứng khoảng một nửa nguồn cung dầu hướng dương toàn cầu. Nhưng tình hình chiến sự leo thang buộc các nhà sản xuất thực phẩm phải điều chỉnh theo hướng thay thế dầu hướng dương dùng trong sản xuất một số loại thực phẩm bằng các loại dầu khác.
Các doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình trước xung đột Nga – Ukraine bằng cách tìm nguồn ngũ cốc mới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc tìm nguồn cung thay thế ở thị trường nội địa hoặc từ các thị trường nước ngoài không bị ảnh hưởng. Đa dạng hóa và thay thế nguồn cung sẽ giúp cắt giảm một số chi phí mà các nhà sản xuất muốn “sang tay” cho người tiêu dùng.
Tăng mức hỗ trợ của chính phủ
Giá thực phẩm tăng cao ở các quốc gia giàu mạnh như Mỹ, có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP nói chung. Theo Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ, giá thực phẩm và đồ uống ở nước này đã tăng với mức kinh ngạc 8% so với một năm trước và chưa dừng lại ở đó nếu chiến sự Nga – Ukraine tiếp tục leo thang. Đây cũng là nguyên nhân khiến The Conference Board dự báo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát được Fed ưa dùng – sẽ tăng trên 6% trong năm 2022.
Những vòng xoáy tăng giá khiến chi phí thực phẩm của người Mỹ tăng lên, đồng thời gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực đối với các hộ gia đình mà chi tiêu phần lớn thu nhập cho thực phẩm.
Theo Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ, trong năm 2020, lương thực chiếm 10% tổng chi tiêu của các hộ gia đình giàu nhất ở nước này, nhưng chiếm tới 15% chi tiêu của các hộ nghèo.
Còn kết quả khảo sát mới nhất của Cơ quan Điều tra Dân số Mỹ cho thấy, tính đến giữa tháng 3, hơn 21 triệu người ở Mỹ đã thỉnh thoảng hoặc thường xuyên không có đủ thức ăn trong tuần trước đó. Và tình hình chiến sự có thể sẽ khiến những con số này còn tăng.
Để giúp đỡ người dân gặp khó khăn, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang có thể triển khai hỗ trợ và các chương trình mạng lưới an sinh xã hội như Chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung, có thể được mở rộng. Ngoài ra, chính phủ Mỹ có thể đảm bảo rằng các chương trình thực phẩm học đường, cung cấp dinh dưỡng cho hàng triệu trẻ em, sẽ vẫn được duy trì đầy đủ.
Điều chỉnh lại dự trữ lương thực
Tin tốt là các nền kinh tế khác có thể tham gia tiếp sức nguồn cung lương thực cho thế giới. Nhưng câu hỏi mà Phó chủ tịch The Conference Board đặt ra là liệu các nền kinh tế đó có các kho dự trữ để khai thác cho xuất khẩu và liệu cơ sở hạ tầng nội bộ và lực lượng lao động có đáp ứng đủ điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu.
Ấn Độ, Mỹ, Liên minh châu Âu, Brazil và Canada có vị thế đặc biệt tốt để mở rộng xuất khẩu ngũ cốc, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Cơ quan này cho biết, vào cuối niên vụ 2021 – 2022, Mỹ được dự báo sẽ dư thừa 18 triệu tấn lúa mì, 37 triệu tấn ngô và 2,6 triệu tấn lúa mạch, yến mạch, lúa miến và lúa mạch đen.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có thể xây dựng nguồn dự trữ ngũ cốc dư thừa và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để phân phối lương thực cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Các chính phủ cũng có thể xả kho dự trữ lương thực để giảm sốc cho người tiêu dùng giữa lúc giá cả tăng cao.
Đầu tư nhiều hơn vào sản xuất
Theo Phó chủ tịch The Conference Board, chính phủ các nước có thể điều tiết lượng lớn ngân sách để đầu tư tăng sản lượng lương thực, bao gồm đầu tư cho thiết bị, nghiên cứu và phát triển (R&D) và cơ sở hạ tầng.
Chẳng hạn, ở Mỹ, những hỗ trợ của chính phủ liên bang cho nông dân – bao gồm các khoản vay, hạn ngạch và thu mua lương thực, cùng các biện pháp khác – có thể được điều chỉnh để phục vụ mục đích tăng sản lượng ngũ cốc. Mặt khác, chính phủ Mỹ có thể ngừng trợ cấp đối với những nông dân để đất hoang, không canh tác.
Các doanh nghiệp cũng có thể giúp sức tăng sản lượng ngũ cốc thông qua tài trợ và đầu tư trực tiếp vào nâng cấp thiết bị và lao động.
Giảm thiểu lãng phí
Các đơn vị kinh doanh và cung cấp dịch vụ ăn uống, từ siêu thị đến nhà ăn tại các công ty tư nhân, có thể hạn chế lãng phí thực phẩm bằng cách cải tiến cách thức đặt hàng và bảo quản lạnh tốt hơn. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, có tới 40% nguồn cung thực phẩm ở nước này bị lãng phí.
Một biện pháp hữu hiệu khác có thể giúp tránh nguy cơ thiếu lương thực là hạn chế sử dụng ngô để chưng cất nhiên liệu sinh học.
Bà Dana Peterson cho rằng, chính phủ Mỹ có thể xem xét hạn chế sử dụng ngô để chưng cất ethanol bởi có tới 40% lượng ngô tại nước này được dùng để sản xuất ethanol.
Những giải pháp trên có thể “nói dễ hơn làm”, theo Phó chủ tịch The Conference Board. Nhưng điều cốt yếu là doanh nghiệp và chính phủ phải cùng chung tay kéo giá lương thực, thực phẩm về mức phải chăng.
Để lại một phản hồi