Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu – Kỳ 4: Lối nào tránh vết xe đổ?

Tàn dư của cú sốc trái phiếu doanh nghiệp Tân Hoàng Minh thật nặng nề. Thị trường trái phiếu khựng lại. Thị trường chứng khoán đỏ lửa. Doanh nghiệp hoang mang. Nhà đầu tư tháo chạy. Chính phủ quan tâm, lo lắng. Quốc hội đặt nhiều câu hỏi chất vấn. Trước sức ép từ nhiều phía, Bộ Tài chính đang tìm cách siết chặt thị trường này, cả cung lẫn cầu. Từ đây, một quả bom khác lớn hơn đang dần được kích hoạt: hiểm họa vỡ nợ chéo. Làm thế nào để kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp mà vẫn khuyến khích thị trường nợ phát triển đòi hỏi một cuộc cách mạng về cơ chế cho thị trường vốn.

Bom nợ TPDN 300 tỷ USD của Evergrande (Trung Quốc) phát nổ năm 2021 gây rúng động thị trường tài chính toàn cầu. Ảnh: EPA

Kỳ 4: Lối nào tránh vết xe đổ?

Hậu vỡ nợ TPDN ở Trung Quốc và bài học cho Việt Nam

Năm 2021, bom nợ TPDN 300 tỷ USD của Evergrande (Trung Quốc) phát nổ, gây rúng động thị trường tài chính toàn cầu. Quy tắc “3 lằn ranh đỏ” khắc nghiệt của Trung Quốc khiến tình trạng vỡ nợ hàng loạt xảy ra. Sau Evergrande, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn khác như Fantasia Holdings, Kaisa Group, Shimao Group, Sunac China Holdings… lần lượt tuyên bố vỡ nợ.

Các chuyên gia phân tích Goldman Sachs dự báo, tỷ lệ vỡ nợ của các trái phiếu lãi suất cao trong ngành bất động sản của Trung Quốc lên tới 31,6% năm 2022. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có 22 công ty bất động sản phát hành TPDN lãi suất cao của nước này mất khả năng trả nợ trái phiếu bằng USD. Năm 2021, các tập đoàn bất động sản Trung Quốc không thể thanh toán 8 tỷ USD trái phiếu bằng USD, chưa tính đến TPDN trong nước.

Bất động sản và các ngành liên quan chiếm hơn 25% nền kinh tế Trung Quốc. Với tình trạng vỡ nợ hàng loạt xảy ra, thị trường TPDN nước này khó có thể sớm phục hồi trở lại bởi nhà đầu tư đã mất niềm tin.

Trước những hệ lụy quá lớn từ việc siết tín dụng và TPDN bất động sản, Trung Quốc dường như đang có những động thái sửa sai. Hồi cuối tháng 4/2022, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cùng Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm nước này đã triệu tập đại diện 18 ngân hàng thương mại, 5 công ty quản lý tài sản lớn để bàn giải pháp cứu các tập đoàn địa ốc. Mới đây, nước này cũng hạ lãi suất cho vay thế chấp cho người vay mua nhà lần đầu, khuyến khích chính quyền địa phương giảm phí giao dịch bất động sản.

Với TPDN, giữa tháng 5/2022, các cơ quan chức năng Trung Quốc phải đưa ra công cụ mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát hành trái phiếu. Theo đó, China Securities Finance Corp – một tổ chức của nhà nước hoạt động trong lĩnh vực ký quỹ của Trung Quốc – đã cho ra mắt công cụ hỗ trợ tài trợ trái phiếu cho doanh nghiệp tư nhân ChinaBond (CSIPB). Với các biện pháp bảo vệ trái chủ khỏi thiệt hại trong trường hợp nhà phát hành vỡ nợ, công cụ này được kỳ vọng sẽ lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp tư nhân có thể huy động vốn trở lại qua TPDN.

Câu chuyện Evergrande của Trung Quốc và Tân Hoàng Minh của Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng: đều là đốm lửa nhỏ có thể lan thành đám cháy lớn. Diễn biến ở Trung Quốc là bài học để Việt Nam không dẫm vào vết xe đổ. “Cứ gặp vấn đề khó quản lý lại siết chặt điều kiện kinh doanh là rất nguy hiểm, đừng để tiếng nói cải cách rơi vào quên lãng”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cảnh báo.

Theo các chuyên gia, cũng giống như Trung Quốc, bất động sản đầu cơ nước ta như một “khối u ác tính” của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc điều trị khối u này cần phải tiến hành từ từ với liệu trình phù hợp để xem phản ứng của cơ thể. Nôn nóng cắt bỏ có thể kích hoạt khối u di căn, thậm chí khiến con bệnh sớm đột tử.

Chưa kể, nguyên nhân sâu xa của căn bệnh sốt đất ở nước ta không hẳn do TPDN hay tín dụng, mà là vì thiếu cung. Vì vậy, siết TPDN quá mạnh có thể gây sụp đổ thị trường tài sản, mà vẫn không đạt được mục tiêu hạ giá nhà đất.

“Ứng xử với thị trường tài chính phải rất thận trọng. Chúng ta thấy, lạm phát tại Mỹ cao kỷ lục 40 năm, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng chỉ tăng lãi suất mỗi lần 0,25-0,5%. Việc đưa ra chính sách thiếu thận trọng về TPDN có thể khiến cả thị trường bất động sản nước ta sụp đổ, sau đó lây lan sang hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế như đã từng xảy ra giai đoạn 2011-2012”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cảnh báo.

“Khóa” nhà đầu tư cá nhân, phải có cơ chế thu hút “tay to”

Thay vì đưa ra các rào cản khắc nghiệt để kiểm soát phát hành TPDN, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nâng cao sự chuyên nghiệp của các chủ thể tham gia thị trường. Quá nhiều nhà đầu tư cá nhân F0 là một trong những nguyên nhân khiến thị trường TPDN Việt Nam bất ổn thời gian qua.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho hay, với TPDN, các quốc gia trên thế giới đều khuyến khích đầu tư qua các định chế tài chính chuyên nghiệp (quỹ hưu trí, quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư TPDN, quỹ tương hỗ…), hạn chế cá nhân tự đầu tư.

Đây cũng là giải pháp mà Bộ Tài chính đang tính tới. Tuy vậy, ngay cả giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế này cũng được cảnh báo là sẽ gây hiệu ứng tiêu cực cho thị trường, nếu không có các giải pháp đồng bộ đi kèm.

Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital cho rằng, khuyến khích đầu tư qua các quỹ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Khi đó, thay vì giám sát hàng triệu tài khoản của nhà đầu tư, cơ quan quản lý chỉ cần quản lý 30 – 40 quỹ trên thị trường. Tuy vậy, điều bất cập là hành lang pháp lý hiện hành chưa khuyến khích được các quỹ đầu tư vào TPDN.

Trong khi các quỹ đầu tư chưa có đất phát triển, ngân hàng bị siết mua TPDN từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp lo ngại thanh khoản thị trường TPDN sẽ bị hụt hơi khi nhà đầu tư cá nhân cũng bị khóa nốt. Giải pháp khuyến khích “tay to” tham gia thị trường để tạo thanh khoản và định hướng dòng tiền được nhiều ý kiến đề xuất.

Theo ông Trần Huy Doãn, Phó trưởng phòng Đầu tư Công ty Chứng khoán ACBS, không thể đòi hỏi nhà đầu tư cá nhân trở thành chuyên nghiệp ngay sau một đêm, mà phải có nhà đầu tư lớn đi tiên phong. Ở các nước, quỹ hữu trí là một trong những lực lượng lớn nhất tham gia thị trường TPDN. Trong khi đó, tại Việt Nam, quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế chỉ gửi tiết kiệm ngân hàng.

“Tôi hy vọng, Chính phủ có chính sách khuyến khích các quỹ của Nhà nước tham gia thị trường trái phiếu để điều hướng dòng tiền trong dân. Cải cách thị trường TPDN chính là cải cách tài chính, cải cách tài khóa, phải thay đổi về tư duy”, ông Doãn đề nghị.

Minh bạch, xếp hạng tín nhiệm: Chỉ gỡ khó tạm thời?

Bài học của Hàn Quốc và nhiều quốc gia cho thấy, để phát triển thị trường TPDN lành mạnh, các tiêu chí về minh bạch thông tin, xếp hạng tín nhiệm, xử phạt vi phạm… được đặt ra hàng đầu. Các biện pháp hành chính gần như rất ít được đưa ra.

Các chuyên gia cho rằng, để chấn chỉnh thị trường TPDN, cơ quan quản lý có thể nâng cao chất lượng nhà phát hành thông qua tăng cấp độ đòi hỏi về minh bạch thông tin.

Theo TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cần phải yêu cầu các doanh nghiệp phát hành TPDN công bố rõ ràng mục đích, lộ trình huy động vốn. Định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng, công ty phát hành phải công bố công khai tình hình và mục đích giải ngân để thị trường giám sát.

Xếp hạng tín nhiệm cũng là cách để dán nhãn cho trái phiếu, minh bạch thông tin. Thực tế, TPDN là thị trường phi chính thức, nên hầu hết các quốc gia không yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm. Tuy vậy, một số quốc gia yêu cầu nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua TPDN riêng lẻ đã được xếp hạng ở mức đầu tư.

“Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển, nên có thể áp dụng bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với một số loại TPDN nhất định để thị trường làm quen, sau đó gỡ bỏ dần”. PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính gợi ý.

Một giải pháp khác để minh bạch thông tin là lập chợ cho thị trường TPDN riêng lẻ thứ cấp, thúc đẩy phát hành TPDN ra công chúng. Cả hai giải pháp này đều đã được Bộ Tài chính triển khai, song kết quả còn hạn chế.

Hiện nay, quy trình xét duyệt hồ sơ TPDN phát hành ra công chúng kéo dài, có khi tới 3-6 tháng khiến doanh nghiệp nản chí. Tương tự, chợ TPDN thứ cấp tập trung – nơi hàng hóa được phân loại rõ ràng, dán nhãn cụ thể – vẫn chưa có, các nhà đầu tư đang phải giao dịch qua nền tảng (app) mỗi nơi một kiểu của doanh nghiệp trung gian, của các công ty chứng khoán.

Minh bạch thị trường, nâng cao sự chuyên nghiệp của các chủ thể tham gia thị trường là điều mà các cơ quan quản lý có thể làm ngay. Tuy nhiên, sửa lỗi hệ thống của thị trường TPDN cần nhiều thời gian hơn.

Cần có cái nhìn thoáng hơn về thị trường TPDN

Đừng vì vài sự cố như Tân Hoàng Minh mà đánh giá thị trường TPDN tiêu cực. Với bất kỳ thị trường nào trong giai đoạn đầu phát triển, các nước đều tạo điều kiện thông thoáng để có sự thực chứng về khuynh hướng phát triển và tìm nguyên lý để quản lý. Hiện nay, húng ta vừa mở hé từng bước, vừa tìm cách ngăn chặn. Nên nhớ rằng, vốn là máu của thị trường, của doanh nghiệp, thắt lại đột ngột cũng đồng nghĩa với làm tắc hàng loạt dự án, nguy cơ đổ vỡ dây chuyền là rất lớn.

– TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

(Còn tiếp)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*