– Trong Hội nghị Cấp cao đặc biệt tại Washington, Mỹ đã công bố gói sáng kiến 150 triệu USD để hỗ trợ ASEAN. Mỹ sẽ triển khai sáng kiến đó với Việt Nam như thế nào?
Nhà Trắng đã cam kết hỗ trợ ASEAN trong nhiều lĩnh vực như hợp tác hàng hải, biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế, giao lưu nhân dân. Tôi sẽ đi sâu vào vấn đề hợp tác hàng hải. Mỹ đã công bố khoản 60 triệu USD để hỗ trợ lực lượng hành pháp trên biển, không chỉ là hoạt động của Tuần duyên Mỹ ở khu vực này, mà còn cả các nỗ lực nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát biển trong khu vực, trong đó có Cảnh sát biển Việt Nam.
Tuần duyên Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam đã có mối quan hệ rất bền chặt và tôi tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai, vì lực lượng hành pháp trên biển trong khu vực đang ở tuyến đầu của một số vấn đề quan trọng nhất, như bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nghề cá, chống đánh bắt bất hợp pháp, đảm bảo các quốc gia có thể bảo vệ không gian hàng hải của họ, ngăn chặn các tuyên bố chủ quyền hàng hải bất hợp pháp. Họ cũng đóng vai trò lớn về cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo với những người gặp nạn trên biển.
Chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều hợp tác hơn nữa giữa Tuần duyên Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi đã chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam hai tàu tuần tra lớp Hamilton và sẵn sàng cung cấp chiếc thứ ba.
Một lĩnh vực hợp tác khác với ASEAN mà chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn là giáo dục. Mỹ sẽ tăng gấp đôi quy mô chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á để chào đón các lãnh đạo trẻ, đang lên của Đông Nam Á đến Mỹ tham gia các chương trình như Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao (SAIS) thuộc Đại học Johns Hopkins ở thủ đô Washington. Những sáng kiến này không phải là lời nói suông, đây là những hành động thực sự với nguồn lực thực chất, thể hiện cam kết nghiêm túc và sâu sắc của Mỹ trong quan hệ với ASEAN.
– Ông đề cập rằng Mỹ sẵn sàng chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton thứ ba cho Việt Nam. Ngoài vấn đề này, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác như thế nào với Việt Nam về an ninh hàng hải?
Tôi gần đây tham dự sự kiện bàn giao Trạm Sửa chữa tàu và Trung tâm huấn luyện cho Cảnh sát biển Việt Nam. Đó là thiết bị để đưa tàu vào đất liền sửa chữa, đảm bảo rằng chúng có thể quay trở lại biển. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về những công việc mà chúng tôi đang làm.
Tất nhiên, tàu tuần tra là vấn đề lớn và dễ thấy. Nhưng hàng ngày, bằng các hoạt động dù lớn hay nhỏ, chúng tôi đều làm việc nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng lực lượng Cảnh sát biển có năng lực nhất có thể để bảo vệ vùng biển, tài nguyên quốc gia, tài nguyên thiên nhiên. Tôi kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục được tăng cường, đặc biệt khi Mỹ đã công bố sáng kiến mới với ASEAN.
– Chính quyền Tổng thống Biden hồi tháng hai công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới. Mỹ sẽ thực hiện các trụ cột trong chiến lược này với Việt Nam ra sao?
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ có 5 trụ cột chính là tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an ninh và chống chịu tốt. Đây là chiến lược cho toàn khu vực, nhưng mỗi khía cạnh đều có liên hệ trực tiếp với quan hệ Việt – Mỹ.
Trụ cột “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” liên quan đến mục tiêu chung giữa Mỹ và Việt Nam là đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, đảm bảo thực hành thương mại không bị ép buộc hay cản trở.
Khía cạnh “kết nối” liên quan đến tầm quan trọng của APEC, đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN.
“Thịnh vượng” liên quan đến những nỗ lực của chúng tôi nhằm đảm bảo mối quan hệ kinh tế Việt – Mỹ có thể đóng góp vào sự thịnh vượng của cả hai nước, thông qua đầu tư Mỹ vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam vào Mỹ đang ngày càng tăng.
Về trụ cột “an ninh”, Mỹ đang làm việc với Việt Nam để góp phần đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và an ninh quốc gia của Việt Nam trước các tuyên bố chủ quyền hàng hải phi pháp, trái luật pháp quốc tế.
Về khả năng “chống chịu tốt”, chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với Việt Nam về các vấn đề như đối phó biến đổi khí hậu, đại dịch toàn cầu và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy trong tương lai.
– Mỹ đã mở văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á ở Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái. Động thái này có tác động thế nào đến quan hệ song phương trong hợp tác chống dịch?
Quyết định đặt văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội thể hiện hai điều. Thứ nhất là niềm tin rằng Việt Nam có vị trí lý tưởng để đặt một văn phòng có trách nhiệm cấp khu vực về vấn đề quan trọng là hợp tác y tế.
Thứ hai, đặt văn phòng ở đây là sự công nhận mối quan hệ hợp tác y tế rất bền chặt giữa hai nước đã tồn tại từ năm 2004, 2005, khi chúng ta bắt đầu cùng nhau phòng chống HIV/AIDS, sau đó là bệnh lao và Covid-19. Hợp tác y tế là trụ cột quan trọng của quan hệ Việt – Mỹ, nên việc có một cơ sở quan trọng như văn phòng CDC cấp khu vực tại Hà Nội là điều dễ hiểu.
– Từng giữ chức tham tán chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam năm 2004 – 2007, ông cảm thấy thế nào khi quay trở lại Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ từ tháng hai?
Tôi rất vui khi được quay lại Việt Nam sau 15 năm. Thật tuyệt vời khi thấy Việt Nam đã thay đổi nhiều như thế nào. Gia đình tôi từng sống ở đường Tô Ngọc Vân và chúng tôi đã đến thăm lại khu phố. Có một số điều vẫn giống ngày xưa, nhưng nhiều hàng quán đã mọc lên.
Dù vậy, có một điều không thay đổi sau 15 năm qua là lòng hiếu khách của người dân Việt Nam. Gia đình tôi đã nhận được sự chào đón rất nồng ấm. Tôi thực sự rất ấm lòng.
Mục tiêu của tôi trong nhiệm kỳ Đại sứ là làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai quốc gia, tìm cách tăng cường hơn nữa hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, y tế, giáo dục, thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, kỹ thuật số. Đây đều là những lĩnh vực quan trọng với cả hai nước.
Vì vậy, tôi muốn tình bạn của chúng ta ngày càng sâu sắc, sự tin cậy giữa hai nước ngày càng tăng cường. Tôi muốn thấy Việt Nam ngày càng giàu mạnh, có năng lực bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Đây đều là những mục tiêu quan trọng của Mỹ.
Phương Vũ
Để lại một phản hồi