Mỹ – Anh – Australia phát triển vũ khí siêu vượt âm

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm qua bày tỏ hài lòng với tiến độ chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân cho Canberra, đồng thời thống nhất mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong liên minh quân sự ba bên AUKUS.

“Chúng tôi quyết định khởi động hợp tác ba bên trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm và phương án đối phó loại khí tài này, cũng như xây dựng năng lực tác chiến điện tử”, thông cáo chung sau cuộc điện đàm giữa ba lãnh đạo có đoạn.

Mô hình tên lửa AGM-183A dưới cánh máy bay B-52 sau chuyến bay thử hồi tháng 8/2020. Ảnh: USAF.

Mô hình tên lửa siêu vượt âm dưới cánh oanh tạc cơ Mỹ trong đợt thử nghiệm tháng 8/2020. Ảnh: USAF.

Mỹ và Australia đang theo đuổi chương trình vũ khí siêu vượt âm thử nghiệm mang tên SCIFiRE. Giới chức Anh cho biết nước này sẽ không tham gia dự án vào thời điểm hiện tại, nhưng ba quốc gia trong AUKUS sẽ phối hợp để nghiên cứu và phát triển, mở rộng lựa chọn với các chương trình vũ khí siêu vượt âm.

Ba lãnh đạo AUKUS cũng chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, đồng thời tái khẳng định cam kết với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do.

Khi được hỏi về động thái mới của AUKUS, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cảnh báo các nước không thực hiện các bước đi có thể dẫn tới khủng hoảng tương tự Ukraine hiện nay. Chính phủ Trung Quốc từng mô tả liên minh AUKUS là mối đe dọa “cực kỳ vô trách nhiệm” với ổn định trong khu vực

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh, tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.

Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại. Đối phương cũng có ít thời gian phản ứng trước vũ khí siêu vượt âm, không kịp triển khai lực lượng đánh chặn hoặc sơ tán.

Nga, Mỹ, Trung Quốc và ít nhất 5 quốc gia khác đang nghiên cứu công nghệ này, trong đó Moskva và Bắc Kinh đã biên chế một số loại tên lửa siêu vượt âm hoặc tên lửa mang đầu đạn lướt nhằm đối phó với Washington. Quân đội Nga tháng trước lần đầu sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal trong thực chiến, nhằm vào các mục tiêu ở miền trung và tây Ukraine.

Mỹ đang phát triển hàng loạt chương trình tên lửa siêu vượt âm với sự tham gia của những tập đoàn quốc phòng hàng đầu như Lockheed Martin và Raytheon, nhưng chưa đưa được mẫu nào vào biên chế.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*