Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì cho giấc mơ IPO tại Mỹ?

Ông Marc H. Iyeki, cố vấn cấp cao của Biotech & Innovation, Deltec Investment Advisers Limited, cựu Giám đốc Niêm yết khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE)

Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý tại NYSE, ông có thể chia sẻ một số quy tắc niêm yết trên NYSE mà các doanh nghiệp châu Á thường gặp khó khăn trong quá trình IPO? Công thức thành công để các doanh nghiệp vượt qua những rào cản này là gì?

Gần 2 thập kỷ trước, nhiều công ty, tập đoàn có trụ sở tại châu Á tin rằng, việc đáp ứng các yêu cầu niêm yết tại Mỹ là quá xa vời và thực tế điều này đúng với đại đa số. Tuy nhiên, những năm qua, các cơ quan quản lý tại Mỹ đã giúp các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán (NYSE là một ví dụ) dễ dàng hơn.

Mặc dù các yêu cầu từ Mỹ đã có sự linh động nhất định, nhưng nhiều điều khoản chặt chẽ vẫn làm đau đầu chủ doanh nghiệp, như kiểm soát nội bộ, báo cáo định kỳ, quy chuẩn kế toán, kiểm toán, quy định về công bố thông tin và quan hệ nhà đầu tư…

Để tăng khả năng thành công với tư cách là một công ty niêm yết tại Mỹ, các công ty châu Á cần có một kế hoạch chi tiết, toàn diện với mục tiêu trở thành một công ty đại chúng, một đội ngũ lãnh đạo có kinh nghiệm thị trường tài chính quốc tế và khả năng giao tiếp hiệu quả với các nhà đầu tư nước ngoài. Họ cũng cần có các nhân sự có năng lực, quy trình chặt chẽ và công nghệ để đáp ứng các yêu cầu quy định của Mỹ.

Với việc SPAC (công ty mua lại mục đích đặc biệt) là một trong những xu hướng nóng trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc việc niêm yết theo lộ trình này. Theo ông, khi nào các doanh nghiệp nên áp dụng lộ trình SPAC và khi nào nên niêm yết theo phương pháp truyền thống?

Bất kể chọn cách niêm yết bằng cách nào, doanh nghiệp cũng phải tự trang bị các điều kiện một cách kỹ lưỡng và minh bạch như một công ty đại chúng. Các công ty ít được biết đến tại Mỹ có thể được hưởng lợi từ sự công khai quá trình IPO một cách rõ ràng. Trong khi đó, các công ty có gần như đủ điều kiện để được công nhận là công ty đại chúng tại Mỹ, có nguồn tài chính đáng tin cậy nhưng lịch sử hoạt động ngắn là những ứng cử viên khả thi để niêm yết cổ phiếu thông qua sáp nhập SPAC.

Đặc biệt, theo các tuyên bố gần đây và những động thái thắt chặt quy định với SPAC của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), các công ty nên hiểu rằng, lộ trình SPAC không nhất thiết phải là cách dễ dàng hơn, nhanh hơn, hoặc rẻ hơn trong hành trình niêm yết.

IPO ở nước ngoài có thể gặp khó khăn do sự chênh lệch lớn trong khung khổ pháp lý giữa các nước châu Á và tiêu chuẩn của SEC. Các nhà lập pháp của các nước châu Á nên làm gì để thúc đẩy niêm yết tại Mỹ (hoặc niêm yết kép)?

Bằng cách loại bỏ các rào cản pháp lý và quy định đối với việc niêm yết ở nước ngoài, các nhà lập pháp châu Á có thể cho phép các công ty trong nước tiếp cận trực tiếp nguồn vốn khổng lồ hơn so với việc chỉ niêm yết tại thị trường nội địa. Điều này, về lâu dài, là tín hiệu tốt, vì sẽ tạo sức ảnh hưởng tích cực tới việc mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp và tạo ra nhiều việc làm hơn. Việc niêm yết trên sàn ngoại cũng sẽ giúp doanh nghiệp thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn và tăng khả năng cạnh tranh do được cọ xát trên thị trường quốc tế.

VinFast đã nộp hồ sơ đăng ký IPO lên SEC. Mặc dù Việt Nam được đánh giá là một nền kinh tế mở với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhưng một số tên tuổi lớn vẫn chưa thể ghi tên mình vào bản đồ vốn toàn cầu. Ông có khuyến nghị gì đối với các công ty, tập đoàn tại Việt Nam trên hành trình niêm yết tại Mỹ?

Theo quan sát nhiều năm của tôi, nhiều công ty có giá trị vốn hóa thị trường dưới 1 tỷ USD vẫn được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán tại Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không niêm yết tại Mỹ hoặc chưa có thương hiệu tại Mỹ vẫn chưa phải là thỏi nam châm thu hút sự chú ý của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là truyền thông tài chính tại đây.

Để ghi dấu trên bản đồ thị trường vốn tại Mỹ cũng như toàn cầu, các công ty Việt Nam nên xem xét để cải thiện chiến lược kinh doanh, cũng như tầm nhìn của họ tại thị trường này trước khi niêm yết. Có thể thực hiện điều này bằng cách để các giám đốc điều hành cấp cao xuất hiện trên các phương tiện truyền thông tài chính, mạng xã hội và hội nghị về kinh tế, tài chính tại Mỹ.

Để “rút ngắn” khoảng cách giữa Việt Nam và Mỹ, kể từ ngày IPO trở đi, các công ty có thể cung cấp cho các nhà đầu tư Mỹ một trang web bằng tiếng Anh thật chuyên nghiệp, chứa tất cả thông tin mà nhà đầu tư muốn biết, như hồ sơ nộp lên SEC, thông cáo báo chí, bài thuyết trình, hội nghị nhà đầu tư được trình chiếu trực tiếp hoặc được lưu trữ bằng tiếng Anh… Muốn thu hút nhiều nhà đầu tư, các công ty phải có lợi nhuận ổn định và đang trên một quỹ đạo đi lên hoặc có một lộ trình đáng tin cậy, thuyết phục để đạt được lợi nhuận mong muốn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*