Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gần đây có chuyến thăm bí mật tới Kiev, gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky để bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine. Trước bà, nhiều lãnh đạo phương Tây cũng đã tới Kiev bằng nhiều loại phương tiện khác nhau.
Theo các nhà quan sát, một trong những lý do quan trọng các lãnh đạo phương Tây có thể liên tục đến Kiev giữa chiến sự căng thẳng là Nga đã không quyết liệt phá hủy các hạ tầng trọng yếu như sân bay, đường cao tốc, đường ray xe lửa, nhà ga nhằm cô lập thủ đô Ukraine.
Dù thường xuyên thông báo tập kích các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Ukraine, Nga tới nay rất hạn chế nhắm đến hạ tầng giao thông, trong đó có những tuyến đường sắt, cầu và đường bộ đóng vai trò quan trọng để phương Tây chi viện vũ khí cho Ukraine.
“Điều này thật sự kỳ lạ, tôi không thể nào lý giải được”, Dmitry Trenin, chuyên gia về an ninh và chính sách Nga, cựu giám đốc văn phòng tại Moskva của tổ chức nghiên cứu Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP), nhận định.
Trenin đánh giáĐiện Kremlin đang huy động “chưa đến một nửa sức mạnh” cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và các mũi tiến công của quân đội Nga ở miền đông hay miền nam nước này vẫn tạo ấn tượng họ đang “đánh cầm chừng”.
Một số quan chức, học giả phương Tây cho rằng đây có thể là quyết định chiến thuật của quân đội Nga. Một quan chức cấp cao giấu tên của Lầu Năm Góc hôm 2/5 đánh giá quân đội Nga đang tiến hành giai đoạn hai chiến dịch ở Ukraine “rất thận trọng và kiềm chế”, sau những bước tiến không thuận lợi ở giai đoạn đầu.
Phần lớn hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine, nơi lực lượng phòng không nước này vẫn duy trì năng lực tác chiến đáng gờm. Để không kích các tuyến đường ray xe lửa hay đoàn xe chở vũ khí đang di chuyển, lực lượng Nga sẽ phải tiến hành hoạt động do thám sâu trong lãnh thổ đối phương, vốn rất khó khăn trước lưới phòng không của Ukraine.
Các đòn tập kích này cũng đòi hỏi những vũ khí có độ chính xác cao, chủ yếu là tên lửa hành trình có hệ thống dẫn đường, nhằm đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, kho vũ khí công nghệ cao của Nga có giới hạn nhất định cả về số lượng và chất lượng, trong khi Moskva đang phải dồn lực cho mặt trận ở Donbass.
Anton Troianovski, trưởng bộ phận thường trú của NY Times tại Moskva, cho rằng đây là một lý do quan trọng khiến Nga không đặt ưu tiên “phung phí vũ khí” tấn công những mục tiêu có tỷ lệ thành công thấp hơn.
Một số quan chức phương Tây nêu giả thuyết Nga không muốn quyết liệt tấn công cơ sở hạ tầng Ukraine vì không muốn phải gánh chi phí tái thiết quá lớn nếu kiểm soát được các thành phố trọng yếu sau này.
Nền kinh tế Nga đang gặp một số khó khăn vì loạt lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây, nên chi phí xây dựng lại cơ sở hạ tầng vốn rất tốn kém sẽ trở thành rắc rối không nhỏ cho Moskva.
Mạng lưới hạ tầng giao thông trên lãnh thổ Ukraine cũng mang ý nghĩa chiến lược trong cục diện tương lai trên chiến trường. Nga sẽ cần chính những mạng lưới này để thiết lập tuyến hậu cần cho quân đội ở mỗi khu vực họ giành được từ đối phương. Quyết định phá hủy những hạ tầng đó không khác gì “tự lấy đá ghè chân mình”, ảnh hưởng đáng kể đến những tính toán trong tương lai.
Những lý do này có thể đã thúc đẩy lực lượng quân sự Nga chú trọng hơn vào tấn công các kho vũ khí và cơ sở quân sự, vốn là những mục tiêu cố định và ít phức tạp hơn.
Moskva trên thực tế vẫn phát đi nhiều thông điệp cứng rắn. Giới lãnh đạo Nga nhiều lần cảnh báo quân đội nước này sẵn sàng xem các đoàn xe chuyển vũ khí phương Tây sang Ukraine là “mục tiêu quân sự chính đáng”.
“Các người nghĩ có thể mượn tay kẻ khác để hủy diệt chúng tôi và bình an đứng nhìn từ xa? Không đâu. Các người phải trả giá đắt”, Sergei Mironov, nghị sĩ Nga có lập trường cứng rắn, hôm 30/4 cảnh báo phương Tây.
Tuy nhiên, Moskva đến nay chủ yếu vẫn dùng các vũ khí kinh tế để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây, trong đó có quyết định “khóa vòi” xuất khẩu khí đốt sang một số nước châu Âu “không thân thiện”.
Viễn cảnh chiến tranh mạng giữa Nga và phương Tây, kịch bản mà nhiều chuyên gia cảnh báo từ trước khi khủng hoảng Ukraine leo thang thành xung đột vũ trang, vẫn chưa xảy ra. Bộ Quốc phòng Nga cuối tuần qua tuyên bố đã phá hủy kho vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine, nhưng đến nay vẫn chưa lần nào nhắm đến những đoàn xe chở khí tài, hay đe dọa trực tiếp các nước NATO gần Ukraine.
“Nhiều người bắt đầu thắc mắc vì sao Nga chưa phản đòn. Thật khó tin rằng Mỹ và đồng minh chưa chịu bất kỳ hậu quả nào sau khi cung cấp loạt vũ khí, góp phần khiến lực lượng Nga hứng tổn thất”, Samuel Charap, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là nhà phân tích về Nga cho hãng tư vấn chính sách quốc phòng RAND, chia sẻ.
Theo Charap, Moskva vẫn duy trì “lằn ranh đỏ” đối với động thái can dự của Mỹ và phương Tây vào chiến sự Ukraine. Khái niệm này đã được Tổng thống Putin đề cập khi cảnh báo Nga sẵn sàng đáp trả “nhanh như chớp” nếu nước ngoài can thiệp vào chiến trường.
Dù NATO quyết không đưa lực lượng đến Ukraine hay thiết lập vùng cấm bay như đề xuất của Kiev, những lô hàng viện trợ vũ khí được cấp tập chuyển đến trong hơn hai tháng qua cũng được coi là một hình thức can thiệp, nhưng Nga chưa có hành động đáp trả trực tiếp nào.
“Không ai biết lằn ranh đỏ của họ nằm ở đâu. Tôi cho rằng cả Moskva cũng chưa định hình được, vì họ đang ở trong tình thế chưa từng có tiền lệ”, Charap nhận định.
Trenin và nhiều chuyên gia khác cũng nhận định Nga không muốn khó khăn thêm chồng chất nếu gia tăng căng thẳng với NATO, khi chiến dịch quân sự và cả nền kinh tế Nga đang chịu sức ép rất lớn.
“Đây là cuộc xung đột rất kỳ lạ, rất đặc biệt”, Trenin nói. “Nga dường như tự áp đặt cho mình những giới hạn nghiêm ngặt nhất định”.
Thanh Danh (Theo NY Times, WSJ)
- Hai tháng xoay chuyển cục diện trong chiến sự Ukraine
- Nga nỗ lực khóa đường ra biển của Ukraine
- Nga ra đòn trong cuộc đấu khí đốt với châu Âu
- Đổi chiến lược, Nga có thể kéo dài xung đột Ukraine
- Dấu hiệu Mỹ đổi chiến lược ứng phó Nga
Để lại một phản hồi