Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: AFP |
“Lạm phát đang quá cao và chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà lạm phát đang gây ra. Chúng tôi đang khẩn trương khắc phục tình trạng này”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói tại cuộc họp báo hôm 4/5.
“Chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ khôi phục sự ổn định giá cả”, Chủ tịch Fed khẳng định.
Cùng với việc tăng lãi suất, Fed cho biết cơ quan sẽ bắt đầu cắt giảm lượng tài sản nắm giữ trên bảng cân đối kế toán đã phình to lên 9.000 tỷ USD. Trong hai năm qua, Fed đã thực hiện chương trình mua vào trái phiếu để giữ lãi suất ở mức thấp và bơm tiền để kích thích nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lạm phát tăng lên mức kỷ lục 40 năm qua buộc Fed phải suy tính lại chính sách tiền tệ.
Giới đầu tư đã chuẩn bị sẵn sàng cho cả hai động thái trên của Fed, đồng thời kỳ vọng động thái của Fed sẽ đem lại tác động tích cực đến thị trường.
Việc Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 4/5 giúp nâng lãi suất liên bang lên ngưỡng 0,75 – 1% và thị trường đang kỳ vọng lãi suất sẽ tăng lên ngưỡng 2,75 – 3% vào cuối năm nay, theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường CME Group.
Thị trường chứng khoán Mỹ hiện kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất trong những tháng tới. Nhưng ông Powell cho biết, phương án tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản “sẽ được đưa ra trong vài cuộc họp tiếp theo”, như vậy khả năng Fed trở nên “diều hâu” hơn là không cao.
“Phương án tăng 75 điểm cơ bản không phải là điều mà Ủy ban (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang – cơ quan tham mưu chính sách tiền tệ của Fed) đang xem xét tích cực”, Chủ tịch Fed nhấn mạnh, trong khi thị trường vẫn đang nghiêng về phương án Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng tới.
“Nền kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ và đang có điều kiện tốt để thắt chặt chính sách tiền tệ hơn”, Chủ tịch Fed nhận định, đồng thời cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” bất chấp chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn.
Tuyên bố hôm 4/5 của Fed nêu rằng hoạt động kinh tế Mỹ đã “giảm trong quý I”, nhưng cơ quan này lưu ý rằng “chi tiêu hộ gia đình và đầu tư kinh doanh cố định vẫn tăng mạnh mẽ”, dù lạm phát vẫn ở mức cao.
Ngoài ra, “các đợt phong tỏa do dịch Covid ở Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Ủy ban (Ủy ban Thị trưởng Mở Liên bang – FOMC) rất chú ý đến rủi ro lạm phát”, tuyên bố của Fed nêu.
Sau động thái tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản của Fed, ông Collin Martin, chiến lược gia về thu nhập cố định tại Công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab (Mỹ) bình luận: Fed đã ít quyết liệt hơn so với kỳ vọng của thị trường. “Bạn có nghĩ rằng có khả năng (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 6. … Chúng tôi cho rằng, lạm phát đã gần đạt đến đỉnh điểm. Khi xuất hiện một số dấu hiệu lạm phát đạt đỉnh và sẽ sụt giảm vào cuối năm, điều này sẽ cho Fed một chút thời gian để hãm tốc độ tăng lãi suất tích cực như vậy”.
Mặc dù một số thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đã hối thúc tăng lãi suất mạnh hơn nữa, nhưng họ vẫn ủng hộ phương án tăng 50 điểm cơ bản hôm 4/5. Đây cũng là mức tăng lớn nhất mà Ủy ban Thị trường Mở Liên bang ấn định kể từ tháng 5/2000 – thời điểm mà Fed đang vật lộn với bong bóng dotcom.
Ứng phó với dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, Fed đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống khoảng 0 – 0,25% và thiết lập một chương trình mua vào trái phiếu quy mô lớn, khiến quy mô bảng cân đối kế toán tăng gấp đôi. Đồng thời, Quốc hội Mỹ đã thông qua một loạt dự luật bơm hơn 5.000 tỷ USD chi tiêu tài khóa vào nền kinh tế.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tại nước này đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 40 năm qua. Còn số liệu vừa công bố tuần trước cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, một thước đo mà Fed thường dùng để theo dõi biến động giá cả hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 5,2% trong tháng 3. Chỉ số này không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng.
Để lại một phản hồi