Tàu sân bay Trung Quốc huấn luyện ở tây Thái Bình Dương

Phát ngôn viên hải quân Trung Quốc Cao Tú Thành ngày 3/5 cho biết nhóm tác chiến Liêu Ninh “đang thực hiện huấn luyện định kỳ”, hoạt động “phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, cũng như không nhằm mục tiêu vào bất cứ bên nào”.

Hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh là 5 khu trục hạm, trong đó có một chiếc thuộc lớp Type-055, chiến hạm được đánh giá là mạnh nhất của hải quân Trung Quốc.

Đợt điều động của nhóm tác chiến Liêu Ninh diễn ra vài tuần sau khi Trung Quốc tổ chức các cuộc diễn tập hải quân và không quân quy mô lớn ở biển Hoa Đông. Trung Quốc tuyên bố các hoạt động này “nhằm phản ứng trước tín hiệu sai lầm thường xuyên gần đây của Mỹ về vấn đề Đài Loan”.

Tàu sân bay Liêu Ninh (trái) huấn luyện tiếp liệu trên biển trong ảnh công bố hồi tháng 12/2021. Ảnh: PLA.

Tàu sân bay Liêu Ninh (trái) huấn luyện tiếp liệu trên biển trong ảnh công bố hồi tháng 12/2021. Ảnh: PLA.

Nhật Bản phát hiện nhóm tác chiến Liêu Ninh trên biển Hoa Đông, phía tây Nagasaki, ngày 1/5 khi tàu sân bay Trung Quốc dẫn đầu 5 chiến hạm gồm khu trục hạm Type-055 Nam Xương, khu trục hạm Type-052D Tây Ninh, Thành Đô và Urumqi cùng tàu hậu cần Type-901 Hô Luân Hồ.

Khu trục hạm Type-052C Trịnh Châu và hộ vệ hạm Type-054A Tương Đàm sau đó hội quân với nhóm tác chiến Liêu Ninh ở vùng biển phía tây nhóm đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, sau đó đi qua eo biển Miyako, tiến vào tây Thái Bình Dương rồi đi về phía nam.

Đâu là đợt huấn luyện đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh trên Thái Bình Dương kể từ tháng 12/2021. Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln đang được triển khai ở Biển Philippines. Điều này đồng nghĩa nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc có thể hoạt động không quá xa nhau.

Tàu sân bay Liêu Ninh được Trung Quốc hoán cải từ khu trục hạm chưa hoàn thiện mua từ Ukraine và biên chế vào hải quân nước này năm 2012. Chiến hạm ban đầu được hải quân Trung Quốc sử dụng cho mục đích huấn luyện và nghiên cứu công nghệ phục vụ cho dự án chế tạo tàu sân bay nội địa, sau đó được chuyển thành tàu sân bay chiến đấu.

Vị trí vùng biển Tây Thái Bình Dương. Đồ họa: ANU.

Vị trí vùng biển Tây Thái Bình Dương. Đồ họa: ANU.

Nguyễn Tiến (Theo SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*