Ảnh vệ tinh thương mại do hãng Maxar công bố hôm 11/5 cho thấy quân đội Trung Quốc đã tiêu diệt mục tiêu mô phỏng khu trục hạm ở sa mạc Taklamakan tại huyện Nhược Khương, khu tự trị Tân Cương. Chuyên gia quân sự H.I. Sutton nhận định đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm hoàn thiện khả năng tập kích tàu chiến neo đậu trong cảng đối phương.
Maxar cho biết mô hình mô phỏng tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ cùng các cầu cảng được xây dựng tại sa mạc Taklamakan từ tháng 12/2021. Trong ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 2, phần trung tâm mục tiêu bị thổi bay, dường như do trúng tên lửa đạn đạo. Nó cũng nhanh chóng bị tháo dỡ sau cuộc thử nghiệm và đã biến mất trong những ảnh vệ tinh mới nhất.
Nhà phân tích quân sự Damien Symons cũng phát hiện một mục tiêu tương tự nằm cách đó hơn 300 km. Nó xuất hiện từ cuối năm 2018 nhưng không gây nhiều chú ý, với thiết kế gồm một mô hình tàu khu trục và các cầu cảng.
Giới chuyên gia cho rằng các mục tiêu trên sa mạc cho thấy Trung Quốc đang thử nghiệm những hệ thống dẫn bắn phức tạp cho tên lửa đạn đạo chống hạm.
“Cách bố trí mục tiêu được tính toán rất kỹ, từ hướng mũi tàu, hình dáng và kích thước đều đồng nhất, chúng không phải những mô hình được xây dựng tùy hứng. Mô hình tàu chiến dường như gồm các tấm kim loại đặt trên mặt đất, khác với vật liệu xây dựng cấu trúc mô phỏng cầu cảng và công trình. Chúng có đặc tính phản xạ nhiệt và sóng radar khác nhau, cho thấy những hệ thống dẫn bắn phức tạp đã được dùng trong các đợt thử nghiệm”, Symons nhận xét.
Để đánh trúng tàu khu trục neo đậu tại cảng, tên lửa đạn đạo diệt hạm phải sử dụng những hệ thống dẫn đường chính xác như cảm biến hồng ngoại, quang học hoặc radar chủ động trong giai đoạn lao xuống để tăng khả năng diệt mục tiêu.
“Khả năng phân biệt tàu chiến với cầu cảng có thể giúp tên lửa đạn đạo diệt hạm xóa sổ hạm đội đối phương trước khi họ kịp rời bến và phân tán lực lượng”, Sutton nhận xét.
Quân đội Trung Quốc đang triển khai một số chương trình tên lửa đạn đạo diệt hạm, trong đó DF-21D có tầm bắn hơn 1.400 km và có khả năng hạ mục tiêu di động. Tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 có tầm bắn hơn 3.700 km, sử dụng được đầu đạn hạt nhân và thông thường.
Oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc có thể mang biến thể DF-26 với tên gọi CH-AS-X-13, được cho là đủ lớn để gắn đầu đạn siêu vượt âm. Lầu Năm Góc nhận định Trung Quốc có thể trang bị tên lửa đạn đạo diệt hạm cho Type-055, khu trục hạm lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 13.000 tấn.
Vũ Anh (Theo USNI)
Để lại một phản hồi