Thêm biến số, kinh tế Việt Nam chịu nhiều áp lực

Cách đây ít ngày, liên bộ Tài chính – Công thương đã quyết định điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Ảnh: Đức Thanh

Những biến số với kinh tế Việt Nam

Nỗi lo Fed tiếp tục tăng lãi suất đã trở thành hiện thực. Sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 5, Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, lên mức 0,75-1%. Đây là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 5/2000 của Fed, nhằm kiềm chế lạm phát.

Tất nhiên, quyết định trên của Fed sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Có tới 4 tác động chính đối với kinh tế Việt Nam được TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhắc tới. Đó là những ảnh hưởng tới chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng USD; tới tỷ giá USD/VND; tới dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài, khi mà rất có thể một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, để quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác, nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước.

Một tác động quan trọng khác, theo TS. Lực, đó chính là việc Fed tăng lãi suất có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là điều rất đáng chú ý trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, sau khi xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang căng thẳng.

Trung tuần tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra báo cáo về tình hình kinh tế thế giới và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Mỹ, châu Âu là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến sự Nga – Ukraine. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng khu vực châu Âu năm 2022 sẽ giảm xuống mức 2,8%, tức là giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự đoán trước đó.

Cách đây ít ngày, Mỹ chính thức công bố, GDP quý I tăng trưởng giảm 1,4%, giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng 6,9% trong quý IV/2021. Sức mua của nền kinh tế Mỹ, cũng một phần khác do lạm phát tăng kỷ lục, đã tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách “Zero Covid”.

Khi các nền kinh tế lớn, như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… tăng trưởng chậm lại, tất nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, bởi đây là các thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Thậm chí, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc đã được nhắc đến.

Bằng chứng cho sự ảnh hưởng này có thể là việc Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam duy trì ở mức 51,7 điểm trong tháng 4/2022, tương đương tháng 3, trong khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn, hoạt động sản xuất đang phục hồi.

Theo IHS Markit, sản lượng sản xuất của Việt Nam trong tháng 4 đã tăng trở lại khi làn sóng Covid-19 giảm. Các công ty đã bắt đầu tuyển dụng thêm nhân công, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đơn hàng mới chậm lại. Nguyên nhân là giá cả hàng hóa tăng mạnh và cũng do những khó khăn trong việc mua nguyên liệu từ Trung Quốc, khi mà quốc gia này vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch rất căng thẳng.

“Những vấn đề này đã ảnh hưởng đến cả cung và cầu vào thời điểm đầu quý II/2022 và có thể sẽ hạn chế tăng trưởng trong những tháng tới”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global nói về kết quả PMI tháng 4 của Việt Nam, dù vẫn bày tỏ hy vọng ngành sản xuất sẽ duy trì thời kỳ khôi phục và tăng trưởng.

Rủi ro hiện hữu

Chỉ cách đây ít ngày, liên bộ Tài chính – Công thương đã quyết định điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, trong bối cảnh giá dầu trên thị trường toàn cầu đang xu hướng tăng, một phần do xung đột Nga – Ukraine vẫn căng thẳng. Với đợt tăng giá lần này, giá xăng RON95-III đã tăng từ mức 27.993 đồng/lít lên 28.433 đồng/lít. Tuy chưa bằng mức giá gần 30.000 đồng/lít, cao kỷ lục, ở thời điểm đầu tháng 3/2022, song tiếp tục gây áp lực lên lạm phát của Việt Nam, giá cả đầu vào sản xuất vốn đang ở mức cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi giá dầu, sự phục hồi sức mua sản xuất, tiêu dùng trong nước sẽ tác động dây chuyền đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào, vật liệu xây dựng, chi phí vận tải, lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng…

Điều quan trọng là khi giá cả đầu vào tăng cao, sản xuất – kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, trong bối cảnh các hoạt động này vẫn cần độ trễ để phục hồi, trong khi một số chính sách hỗ trợ chậm được triển khai. Chưa kể, một thực tế khác, đó là việc giá vật liệu xây dựng tăng cao cũng đang ảnh hưởng đến việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Số liệu thống kê cho biết, 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 18,48% kế hoạch.

Rủi ro, thách thức đang hiện hữu, song cơ hội để phục hồi và phát triển cũng rất lớn. Vì vậy, một loạt giải pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, trong đó có đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế, song vẫn trong quá trình triển khai, nhiều chính sách còn đang xây dựng, gồm cả chính sách về hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế…

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bên cạnh những chính sách đã được thực thi sớm, thì rất nhiều chính sách vẫn trong quá trình xây dựng và chờ triển khai. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gồm cả vốn kế hoạch năm và vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội; điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa, tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, phí, lệ phí, góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân; rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế… cũng là những giải pháp đã được nhắc tới.

Tốc độ tăng trưởng đơn hàng giảm sẽ làm giảm động lực cho sản xuất – kinh doanh và có thể ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2022 ước đạt 65,45 tỷ USD, giảm 2,9% so với tháng trước.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*