5 kịch bản tương lai xung đột Ukraine

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã bước sang tháng thứ tư và trọng tâm cuộc chiến giờ nằm ở khu vực phía đông Ukraine, với thế trận giằng co quyết liệt giữa hai bên.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 2/6 cho biết quân đội nước này đã kháng cự thành công một số đợt tiến quân của Nga trong trận chiến tại thành phố Severodonestk, nơi giao tranh ác liệt nhất ở miền đông.

Quân đội Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc phản công ở Severodonetsk, nhưng lực lượng Nga vẫn kiểm soát 80% khu vực đô thị này, theo tỉnh trưởng Lugansk Serhiy Gaidai. Tổng thống Zelensky trước đó thừa nhận 20% diện tích lãnh thổ của Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga.

Câu hỏi mà nhiều người quan tâm hiện tại là giao tranh Nga – Ukraine sẽ tiếp diễn như nào. James Landale, nhà phân tích của BBC, đã vạch ra 5 kịch bản có thể xảy ra đối với cuộc xung đột này.

Các binh sĩ Ukraine gần Lyman, miền đông đất nước, hôm 28/4. Ảnh: AFP.

Các binh sĩ Ukraine gần Lyman, miền đông đất nước, hôm 28/4. Ảnh: AFP.

Chiến tranh tiêu hao

Cuộc chiến có thể tiếp tục trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm, khi các lực lượng Nga và Ukraine tiếp tục giao tranh ác liệt.

Hai bên đều không sẵn sàng chấp nhận thất bại. Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá ông có thể đạt được thành công bằng cách kiên trì với chiến dịch hiện nay, đánh cược rằng phương Tây sẽ mệt mỏi với Ukraine và tập trung hơn vào các cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước hay mối đe dọa từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, phương Tây đã cho thấy quyết tâm tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, Kiev cũng thể hiện quyết tâm kháng cự, không chấp thuận nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Thực tế này khiến cho xung đột giữa hai bên khó tìm ra lối thoát và có thể trở thành “cuộc chiến mãi mãi”.

“Có rất ít triển vọng về một chiến thắng mang tính quyết định cho bất kỳ bên nào trong ngắn hạn. Cả hai bên đều không cho thấy khả năng tung ra đòn định đoạt cục diện chiến trường”, Mick Ryan, tướng Australia về hưu kiêm học giả quân sự, cho hay.

Nga đơn phương ngừng bắn

Nhà phân tích James Landale cho rằng Tổng thống Nga có thể tuyên bố “chiến dịch quân sự” đã hoàn thành, với hai thực thể ly khai ở vùng Donbass được bảo vệ, hành lang trên bộ kéo dài tới bán đảo Crimea được thiết lập. Sau đó, ông có thể đơn phương tuyên bố ngừng bắn, đẩy quả bóng ngừng chiến sự về phía Ukraine.

“Đây là bước đi mà Nga có thể sử dụng bất kỳ lúc nào nếu họ muốn tận dụng sức ép từ châu Âu nhằm khiến Ukraine chấp nhận từ bỏ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình”, Keir Giles, chuyên gia về Nga tại Chatham House, nói.

Sức ép này đã xuất hiện tại Pháp, Đức và Italy, những nước cho rằng không cần thiết phải kéo dài cuộc chiến tại Ukraine, đã đến lúc chấm dứt nỗi đau kinh tế toàn cầu và đi đến một lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, điều này sẽ bị Mỹ, Anh và phần lớn Đông Âu phản đối, nơi những nhà hoạch định chính sách tin rằng Nga phải bị đánh bại trên chiến trường Ukraine để không thể tiến hành một chiến dịch quân sự tương tự ở bất cứ đâu.

“Do đó, lệnh ngừng bắn đơn phương do Nga đưa ra khó có thể chấm dứt được chiến sự”, Landale nhận định.

Bế tắc trên chiến trường

Sau 100 ngày giao tranh, quân đội của cả Nga và Ukraine đều kiệt sức, hao hụt nhân lực và đạn dược. Hậu quả về người và của không ủng hộ việc tiếp tục cuộc chiến.

Nga hứng chịu thiệt hại lớn về kinh tế và quân sự, trong khi chính phủ Ukraine ước tính tổng thiệt hại mà nền kinh tế nước này gánh chịu do chiến sự đã lên tới 600 tỷ USD. Nhiều người dân Ukraine quá mệt mỏi vì chiến tranh và không muốn tiếp tục đánh đổi cuộc sống cho một chiến thắng khó đạt được lâu dài.

Điều này có thể dẫn đến kịch bản cả Nga và Ukraine đều thừa nhận rằng họ không thể có thêm bước tiến bằng quân sự và đồng ý ngồi vào bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận chính trị.

Điều gì xảy ra khi giới lãnh đạo ở Kiev mất niềm tin vào sự ủng hộ của phương Tây và quyết định ngồi vào bàn đàm phán? Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công khai thừa nhận mục tiêu của Mỹ là giúp Ukraine “có vị thế mạnh nhất tại bàn đàm phán”.

Nhưng giới chuyên gia cho rằng trong tình thế hiện nay, hai bên đều khó đạt được một chiến thắng có ý nghĩa để tạo lợi thế trên bàn đàm phán. Ngay cả khi Nga – Ukraine ký được hiệp ước hòa bình, tình trạng mất niềm tin sâu sắc giữa hai bên có thể khiến thỏa thuận nhanh chóng sụp đổ và dẫn tới nhiều giao tranh hơn.

Ukraine giành chiến thắng

“Ukraine chắc chắn sẽ giành chiến thắng”, Tổng thống Zelensky nói với Dutch TV tuần này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga không kiểm soát được toàn bộ Donbass và chịu nhiều tổn thất? Các biện pháp trừng phạt của phương Tây là một đòn giáng mạnh với Nga. Trong khi Ukraine cũng thực hiện nhiều cuộc phản công, sử dụng tên lửa tầm xa mới để kiểm soát lại các vùng lãnh thổ có tuyến đường tiếp tế của Nga. Kiev dần chuyển từ lực lượng phòng thủ sang tấn công.

Kịch bản này khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng. Nếu Tổng thống Putin đối mặt với nguy cơ thất bại trên chiến trường Ukraine, nhiều người lo ngại ông có thể sử dụng những biện pháp quyết liệt hơn, khiến cuộc chiến leo thang, thậm chí là sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ.

“Tôi cho rằng ông Putin sẽ không chấp nhận một thất bại quân sự thông thường khi có các vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ”, nhà sử học Niall Ferguson nói tại một hội thảo ở Đại học Kings ở London gần đây.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng kịch bản này rất khó xảy ra, khi Nga nhiều lần tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Do vị trí địa lý hai nước gần nhau, bất cứ vũ khí hạt nhân nào được kích nổ ở Ukraine đều có nguy cơ đe dọa lãnh thổ Nga.

Nga giành chiến thắng

Các quan chức phương Tây nhấn mạnh rằng Nga vẫn chưa từ bỏ kế hoạch kiểm soát thủ đô Kiev và phần lớn Ukraine, bất chấp những thất bại trong giai đoạn đầu chiến dịch.

Khi kiểm soát được vùng Donbass, Nga sẽ có cơ hội giải phóng lực lượng để tiến hành chiến dịch những nơi khác, thậm chí tiếp tục hướng tới phía bắc, nhắm vào Kiev một lần nữa.

Trong kịch bản này, ưu thế về quân số và hỏa lực của Nga sẽ được phát huy, khiến lực lượng Ukraine tiếp tục bị tổn thất nặng nề. Tổng thống Zelensky thừa nhận mỗi ngày có khoảng 60-100 binh sĩ thiệt mạng và 500 lính khác bị thương ở Donbass.

Người dân Ukraine có thể bị chia rẽ, với một số muốn tiếp tục cuộc chiến và một số khác muốn hòa bình. Một số nước phương Tây cũng có thể thấy mệt mỏi khi phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine, điều có thể thúc đẩy Nga tiếp tục hướng tới mục tiêu giành chiến thắng bằng biện pháp quân sự.

Nhưng giới quan sát cho rằng một số nước phương Tây có thể không chấp nhận để Nga giành lợi thế ở Ukraine và sẽ tăng cường hơn nữa các biện pháp hỗ trợ quân sự, khiến chiến sự leo thang với mức độ khốc liệt hơn.

“Tương lai của cuộc chiến này vẫn chưa thể xác định”, Landale cho hay.

Thanh Tâm (Theo BBC)

  • Phương Tây rạn nứt trên mặt trận đối đầu Nga
  • Tình cảnh của lính Ukraine trên chiến tuyến miền đông
  • Donbass – chiến trường định đoạt tương lai Ukraine
  • Vai trò của lựu pháo Mỹ trên chiến trường đông Ukraine

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*