Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Ngoại trưởng Australia Penny Wong tại Nhà khách Chính phủ hôm nay, nhân dịp bà Wong thăm chính thức Việt Nam ngày 26-28/6, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh bà Penny Wong chọn Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên tới thăm sau khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Australia hồi tháng 5. Ông bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của bà sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương.
Ngoại trưởng Wong khẳng định Australia luôn coi trọng vai trò của Việt Nam ở khu vực và cam kết chính phủ mới tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam.
Hai bộ trưởng cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực bị tác động mạnh bởi đại dịch như du lịch, giáo dục và hợp tác lao động, đồng thời tăng cường những lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng. Hai bộ trưởng cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các khía cạnh mới như biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Australia tiếp tục đóng góp tích cực cho hợp tác ở khu vực trên cơ sở tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Ngoại trưởng Wong nhấn mạnh Australia coi trọng hợp tác với ASEAN và khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, sau đó nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 3/2018. Hợp tác kinh tế thương mại được đánh giá là điểm sáng trong quan hệ song phương, với kim ngạch 12,4 tỷ USD trong năm 2021, tăng gần 50% so với năm 2020.
Hồi tháng 11/2021, Thủ tướng hai nước có cuộc gặp bên lề Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Glasgow (COP26) và ký kết Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế, theo đó Việt Nam và Australia đặt mục tiêu trở thành 10 đối tác thương mại hàng đầu và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.
Chiến lược này xác định 8 lĩnh vực chính mà Việt Nam và Australia có thế mạnh đặc biệt nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư. Các lĩnh vực bao gồm giáo dục, kỹ năng và đào tạo, tài nguyên và năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất, du lịch, khoa học, công nghệ và đổi mới, kinh tế số.
Vũ Anh
Để lại một phản hồi