Nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang nỗ lực để thích ứng với một loạt điều kiện tài chính, kinh tế biến đổi nhanh chóng thời gian gần đây trên hành trình chiến đấu chống lại lạm phát, một nhiệm vụ khó khăn mà họ có thể phải đánh đổi cả uy tín của mình.
Trong ngày 15/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng cao nhất sau hơn gần 3 thập kỷ.
Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell không ít lần phát đi tín hiệu rằng cơ quan này sẽ tăng lãi suất 0,5% trong kỳ họp tháng 6 vừa qua. Nhưng dữ liệu lạm phát đáng quan ngại công bố chỉ vài ngày trước đó buộc Fed phải hành động quyết liệt hơn.
“Tôi không kỳ vọng những đợt tăng lãi suất lớn như thế này trở nên phổ biến”, ông Powell chia sẻ với các phóng viên trong cuộc họp báo. Tuy nhiên, ông vẫn bỏ ngỏ khả năng về một hoặc nhiều đợt tăng lãi suất với mức độ tương tự trong thời gian tới nếu như dữ liệu thực tế không cho thấy sự cải thiện rõ rệt.
Fed không đơn độc trong hành trình này.
Ông Powell bị dồn vào thế chân tường. Ảnh: MarketWatch. |
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tổ chức cuộc họp bất thường trong ngày 15/6 nhằm thảo luận về một số vấn đề kinh tế mới nổi trong khu vực, chưa đầy một tuần sau khi cơ quan này phát đi thông báo về một đợt tăng lãi suất trong tháng 7.
Sau cuộc họp, ECB cho biết cơ quan này sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các giải pháp mới nhằm giảm áp lực mà nhiều quốc gia châu Âu có tỷ lệ nợ cao phải đối mặt một khi lãi suất tăng lên.
Các ngân hàng trung ương phần nào làm hài lòng kỳ vọng của thị trường. Ngay sau khi chính sách lãi suất mới được công bố, chỉ số S&P 500 tăng 1,5%, chấm dứt chuỗi giảm điểm kéo dài 5 phiên liên tiếp. Lợi suất trái phiếu chính phủ Italia và Hy Lạp cũng giảm xuống sau khi áp lực bán tháo “hạ nhiệt”.
“Thị trường phản ứng rất tích cực tại thời điểm đó”, theo Jeffrey Frankel, Chủ tịch công ty môi giới chứng khoán Stuart Frankel & Co.
Tuy nhiên, mọi thứ đã đảo chiều chỉ một ngày sau. Sửa chữa những sai lầm trong quá khứ là nhiệm vụ không dễ dàng. Điều đó có thể gây ra những hạn chế với khả năng lựa chọn chính sách trong tương lai.
Nếu như ECB khẳng định trong cuộc họp hồi tuần trước rằng họ không chấp nhận “sự chia rẽ” trên thị trường trái phiếu châu Âu, phản ánh qua sự biến động mạnh lợi suất trái phiếu chính phủ Italia và Hy Lạp, cơ quan này có lẽ đã không cần phải tổ chức cuộc họp bất thường trong tuần này, theo Holger Schmieding, Kinh tế trưởng tại Berenberg Bank. ECB hoàn toàn có khả năng can thiệp vào thị trường trong trường hợp cần thiết, nhưng những sai lầm đã kịp để lại hệ quả lâu dài, ông tranh luận.
“ECB, trong ngày 15/6, đã thành công đảo chiều đà bán tháo”, Holger Schmieding chia sẻ trong báo cáo gửi tới khách hàng. “Nhưng sau đó, tâm lý thị trưởng trở nên tiêu cực hơn trước”.
Các nhà hoạch định chính sách cũng lo ngại rằng quyết định tăng lãi suất mạnh hơn dự báo của Fed làm tăng rủi ro kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
“Lạm phát cao và vẫn chưa đạt đỉnh. Ông Powell đang bị dồn vào thế chân tường”, Kenny Polcari, Giám đốc điều hành tại Kace Capital Advisors. “Họ nên hành động quyết liệt hơn từ đầu”, ông nói.
Trọng Đại
NDH
Để lại một phản hồi