Người dân ở khu vực lân cận nói nó đã bị đặt mìn. Các binh sĩ Ukraine cảnh báo dân chúng trong vùng rằng cây cầu từng bị nã pháo và không có gì đảm bảo nó không bị bắn phá thêm một lần nữa.
Nhưng hôm 17/6, Zhyvaga đã quyết định thức dậy từ mờ sáng, leo lên một cái thang và băng qua cây cầu được cho là nơi vượt sông nguy hiểm nhất thế giới vào lúc này. “Tôi ưa mạo hiểm”, người phụ nữ 54 tuổi nói.
Cây cầu Zhyvaga phải vượt dài khoảng 76 m, bắc qua con sông Siversky Donets, ranh giới giữa Lysychansk và Severodonetsk, hai thành phố được coi là rốn hứng hỏa lực Nga ở miền đông Ukraine suốt nhiều tuần qua. Cư dân địa phương gọi đây là cầu Sodovyi, theo tên một nhà máy sản xuất bột nở hiện không còn hoạt động.
Những ngày gần đây, ba cây cầu nối hai thành phố đã bị phá hủy, trong đó có cây cầu mà Zhyvaga phải băng qua. Lực lượng Ukraine bị mắc kẹt khi họ đang nỗ lực chặn đà tiến của quân đội Nga ở Severodonetsk.
Các lực lượng Nga đã có bước tiến ở nam Severodonetsk, khiến Ukraine phải gấp rút cử tiếp viện tới để ngăn chặn nguy cơ bị bao vây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng nói rằng số phận của phần lớn miền đông Ukraine sẽ được định đoạt ở Severodonetsk và Lysychansk.
Hiện chưa rõ con số thương vong của binh lính và dân thường ở cả hai nơi. Chính quyền địa phương ước tính con số có thể tới hàng nghìn.
Nhưng không điều gì trở thành vấn đề với Zhyvaga. Bà dường như đã quen với những tiếng súng và tiếng nổ vang lên quanh nhà mỗi ngày. Zhyvaga quyết băng cầu đến Severodonetsk để mua nhu yếu phẩm mà không biết rằng vẫn có một khu chợ nhỏ họp vào buổi sáng trong thành phố của bà.
Zhyvaga dường như cũng không biết rõ về những rủi ro chờ bà ở Severodonetsk. “Có chuyện gì tại Severodonetsk cơ?”, bà hỏi.
Một phóng viên của báo New York Times nói với Zhyvaga rằng hầu hết thành phố hiện do quân đội Nga kiểm soát. “Thật ư? Kiểm soát một phần à?”, bà đáp lại, không có chút bối rối nào hiện lên trên gương mặt.
Những cây cầu nối hai thành phố có ý nghĩa sinh tử. Nếu không có chúng, lực lượng Ukraine sẽ bị hạn chế khả năng rút lui đến Lysychansk, nơi nằm trên vùng đất cao hơn. Tại đây, binh sĩ Ukraine đang đào các công trình phòng thủ và xây dựng những chốt chặn bằng các phương tiện bị phá hủy để chuẩn bị cho các cuộc tấn công sắp tới của Nga.
Dù quân đội Ukraine được cho là đã lắp đặt một cây cầu phao qua sông để phục vụ mục đích sơ tán, các đơn vị Ukraine ở cả hai thành phố đều đang dần rơi vào tình cảnh bị cô lập như những đồng đội của họ ở thành phố phía nam Mariupol.
Giới chức địa phương ước tính khoảng 500 dân thường, cùng với một số lượng binh lính chưa xác định, đang cố thủ tại nhà máy hóa chất Azot trong khu công nghiệp của Severodonetsk. Cuối tuần trước, họ nói rằng một cuộc sơ tán dường như là bất khả thi.
“Việc sơ tán khỏi nhà máy chỉ có thể thực hiện được với điều kiện ngừng bắn hoàn toàn”, tỉnh trưởng Lugansk Serhiy Gaidai viết trên Telegram.
“Đây là cây cầu cuối cùng còn lại giữa hai thành phố”, Oleksandr Voronenko, 46 tuổi, sĩ quan quân cảnh đóng tại Lysychansk, cho biết. “Nếu ai đó tự di tản, họ có thể đi qua cây cầu này. Nhưng không có cuộc di tản hàng loạt nào”.
Bị tàn phá bởi đạn pháo của Nga, cây cầu giờ đây trông giống một đống đổ nát, như thể một bàn tay vô hình nào đó đã cố gắng gạt nó ra khỏi mặt đất nhưng mới làm được nửa đường.
Bờ sông xung quanh đầy rẫy hố bom. Cây cối gãy đổ và cháy thành than. Những mảnh đạn nằm rải rác trên đường và một chiếc Humvee do Mỹ cung cấp cho Ukraine bị phá hủy là vật thể duy nhất có thể nhận ra trên cầu.
Zhyvaga đã băng qua đống đổ nát vào giữa trưa mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Mang theo chiếc túi và ví đựng tiền, đi đôi dép sandal màu xanh lam, bà tạo nên hình ảnh tương phản nổi bật với những mảnh vỡ xung quanh. Trở về sau chuyến mua sắm, bà leo xuống thang đến khu vực bị sập và bước lên một tấm kim loại để băng qua một khoảng trống nguy hiểm.
“Không ai chặn tôi lại cả”, Zhyvaga đứng ở bờ phía thành phố Lysychansk nói. “Có vài binh sĩ chào tôi, không hơn. Họ hỏi tôi làm thế nào để lái xe qua và cây cầu có còn đi được không”.
Zhyvaga không rõ mình đã tiếp xúc với binh sĩ Ukraine hay Nga, chỉ biết rằng họ nói tiếng Nga. Điểm đến của bà, chợ trung tâm Severodonetsk, hiện cũng do Nga kiểm soát.
Hành trình 11 km tới Severodonetsk đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao ở khu dân cư quanh cầu Sodovyi thuộc quận Chervona của Lysychansk. Người dân ở đây gần như ngày nào cũng chứng kiến các cuộc pháo kích nhằm không chỉ phá hủy cây cầu mà còn đảm bảo không có ai cố gắng băng qua nó.
Những đợt bắn phá này đã phá hủy và làm hư hại gần như tất cả các tòa nhà, công trình trong bán kính một km quanh cầu. Song không ai ở đây biết ai làm điều đó và tại sao. “Không rõ bên nào đang pháo kích nơi này”, Svitlana, một phụ nữ sống gần cầu Sodovyi, cho hay.
Cô quyết định không di tản bởi không có nơi nào để đi. Đó là tâm lý phổ biến của các cư dân bám trụ Lysychansk, những người buộc phải trốn dưới tầng hầm khi thành phố của họ bùng cháy vì pháo kích và các lực lượng Nga ngày càng tiến gần hơn.
“Ai biết liệu đó là người Nga hay người Ukraine cơ chứ”, Oleksandr, người đàn ông sống trên đường Trudova, cách cầu Sodovyi vài trăm mét, nói.
Nhưng “vẫn có quãng nghỉ từ 12h đến 14h”, Valentyna, một cư dân khác, cho biết.
Trong những giờ phút ngắn ngủi giữa các cuộc pháo kích, các cư dân gần cầu Sodovyi tập trung vào sinh hoạt thường ngày và làm thế nào để sống sót, hơn là bàn về ai sẽ là người chiến thắng sau cuộc chiến.
“Bạn biết đấy, tôi chỉ muốn một cuộc sống bình thường”, Zhyvaga nói, tay cầm túi đồ chứa táo và khoai tây sau chuyến đi tới Severodonetsk. “Tôi không biết họ sẽ mang lại cho chúng tôi những gì, bất kể là người Ukraine, nếu họ trụ vững, hay người Nga, nếu họ kiểm soát”.
“Mọi thứ đều là câu hỏi đối với tôi”, bà cho biết thêm.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)
- Cơn khát vũ khí ở miền đông Ukraine
- Trở ngại ngăn giải phóng 25 triệu tấn ngũ cốc ở Ukraine
- Mariupol sau một tháng Nga kiểm soát
- Hai thành phố Ukraine thành rốn hỏa lực của pháo binh Nga
Để lại một phản hồi